Bạn đang ở đây
Doanh nghiệp quân đội làm 'kinh tế đơn thuần' phải cổ phần hóa
Doanh nghiệp quân đội làm 'kinh tế đơn thuần' phải cổ phần hóa
Quan điểm này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp nêu khi chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo.
Cho ý kiến về việc cổ phần hoá doanh nghiệp quân đội, Phó thủ tướng nhấn mạnh, tới đây sẽ chỉ giữ lại doanh nghiệp phục vụ quốc phòng an ninh, còn đơn vị nào làm kinh tế đơn thuần thì sắp xếp lại.
Đồng tình, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho rằng, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp không phải nhiệm vụ do Bộ Tài chính trình mà là của Bộ Chính trị, Quốc hội giao. Khi doanh nghiệp có 35% vốn từ ngoài vào thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, sẽ quản lý tốt lên. “Trừ doanh nghiệp lo về quốc phòng an ninh còn doanh nghiệp đơn thuần khác cần cổ phần hoá toàn bộ”, ông Hiếu nói.
Đại diện Bộ Tài chính đề nghị, dù có thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì tốt nhất vẫn là cổ phần hoá.
Thứ trưởng Quốc Phòng cho biết, phương án cổ phần hoá Viettel đang được xây dựng, nhưng còn chờ đề án tổng thể của Bộ được Chính phủ thông qua. |
Lý giải số lượng doanh nghiệp quân đội đang “phình” ra hiện nay, ông Bế Xuân Trường - Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, doanh nghiệp quân đội đông vì trước đây chủ yếu là các nhà máy, xí nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sửa chữa vũ khí, đóng tàu… cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Sau này các công ty, tổng công ty tăng lên theo quyết định chuyển đổi từ nhà máy, xí nghiệp lên công ty, tổng công ty của Nghị định 90-91.
“Các doanh nghiệp quân đội này thực chất nâng từ xí nghiệp, nhà máy lên công ty, để giải quyết vấn đề giao dịch, tham gia vào một số dự án…, dẫn tới số doanh nghiệp quân đội tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng chia sẻ.
Trước đây toàn ngành có 116 doanh nghiệp, nay đã rút gọn về còn 88. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thông tin, bộ này hoàn toàn ủng hộ đề án sắp xếp, đổi mới lại doanh nghiệp, trong đó gồm cả doanh nghiệp quân đội. Năm 2016, đã có 51 doanh nghiệp quân đội được cổ phần hóa, thoái vốn tại 21 đơn vị và 7 đơn vị đã giải thể.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đã cổ phần hoá được 31 doanh nghiệp và trong năm nay sẽ có 6 đơn vị nữa được cổ phần hoá. Còn 14 doanh nghiệp xin cổ phần hoá cùng công ty mẹ.
“Bộ Quốc phòng kiên quyết chỉ đạo cổ phần hoá, không có cách nào khác dù có chậm. Hiện có khó khăn nhưng Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng kiên quyết thực hiện”, Thứ trưởng Bế Xuân Trường nói thêm.
Riêng với trường hợp của Tập đoàn Quân đội Viettel, hiện đang xây dựng đề án cổ phần hoá. Tuy nhiên, do đề án tổng thể của Bộ đang chờ Chính phủ phê duyệt, nên khi đề án này được duyệt thì phương án của Viettel mới được xem xét.
* Những doanh nghiệp quân đội 'đình đám'