Bạn đang ở đây

Hỗ trợ không có nghĩa là đưa tiền cho doanh nghiệp

Hỗ trợ không có nghĩa là đưa tiền cho doanh nghiệp

Những chi tiết trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được các chuyên gia, đại diện cơ quan làm luật và đại diện hiệp hội phân tích tại buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (6/6).

Theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Đặng Huy Đông, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tập trung xác định phạm vi nhóm doanh nghiệp được hỗ trợ và các nhóm giải pháp chính. Vấn đề được quan tâm đầu tiên là tiêu chí nào để xác định một doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được căn cứ theo quy mô lao động hoặc doanh thu theo từng loại hình và ngành nghề kinh doanh.

Trong đó, mục tiêu của luật sẽ hướng vào xây dựng các biện pháp hỗ trợ dịch vụ cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần và các chương trình hỗ trợ cụ thể theo những định hướng phát triển của Chính phủ.

"Có những thông tin cho rằng luật được xây dựng sẽ đưa ra những mệnh lệnh hành chính thúc đẩy tín dụng, rót tiền cho doanh nghiệp là không đúng. Bản chất của luật là xây dựng những biện pháp hỗ trợ có lựa chọn và định hướng tới những đối tượng cụ thể", Thứ trưởng Đặng Huy Đông chia sẻ.

ho-tro-khong-co-nghia-la-dua-tien-cho-doanh-nghiep

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt trong hoạt động của nhóm doanh nghiệp chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Để làm rõ hơn vấn đề, vị này cho rằng, cách tiếp cận khi xây dựng luật là đi theo nhu cầu của doanh nghiệp, phân tích những thứ doanh nghiệp còn thiếu, từ đó tìm ra những yếu tố thiết thực mà hầu hết các doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình hoạt động, như các vấn đề về pháp luật, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, vốn, đất đai... 

Lấy ví dụ về vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Đông cho biết điểm yếu của những hộ nông dân và nhóm doanh nghiệp nhỏ của địa phương là chưa đủ quy mô để xác định nhu cầu, thị hiếu của toàn thị trường, từ đó dẫn tới một số trường hợp đầu tư không hợp lý, tạo ra chênh lệch cung-cầu. Khi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và trở thành cầu nối đưa thông tin này tới địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết bền vững cho quả vải.

"Đây cũng là một trong những cơ chế hỗ trợ được xây dựng trong luật - cơ chế hỗ trợ người đi hỗ trợ", ông Đông nhận xét.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng dẫn câu chuyện tại Hương Sơn, Hà Tĩnh để làm rõ tính đặc biệt cơ chế này. Theo đó, chính quyền Hà Tĩnh thay vì hỗ trợ vật chất trực tiếp các hộ dân nghèo đã hỗ trợ những doanh nghiệp nuôi hươu tại địa phương, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, đây là một luật khó, không chỉ là bước đột phá cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà sẽ tạo ra bước tiến thay đổi tư duy của nhiều bộ ngành. 

"Theo dõi từ Quốc hội khóa 13 đến giờ, tôi thấy đây thực sự là một luật khó. Khó ở chỗ trong một hệ thống luật kinh tế của nước ta hiện tại, làm cách nào để luật vừa xây dựng được cơ chế hỗ trợ đặc thù, riêng biệt cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng không xung đột với những luật khác", ông Phúc nhận xét và cho biết thêm, nhiều cơ quan có liên quan đã tỏ ra ngần ngại khi phải thay đổi những quy định hiện hành nhằm tạo cơ chế riêng cho nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với vấn đề hỗ trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp này, các chuyên gia trong buổi tọa đàm cho rằng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có bất kỳ một quy định nào mang tính mệnh lệnh hành chính yêu cầu các định chế tài chính như ngân hàng phải hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này. Định mức 30% dư nợ tín dụng của ngân hàng dành cho nhóm này trong dự thảo trước đây (đến nay không còn trong luật), cũng chỉ mang tính khuyến khích.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, việc khuyến khích này là do khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp của nước ta, đóng vai trò là bộ phận chính tạo ra công ăn việc làm trong xã hội. Do vậy, việc xây dựng các biện pháp hỗ trợ vốn, thúc đẩy sự phát triển của nhóm này sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và ổn định xã hội.

"Nhiều ý kiến cho rằng cấp tín dụng cho bộ phận doanh nghiệp này có khả năng tạo ra nợ xấu là không chính xác. Những thống kê trước đây từng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu ngay cả thời kỳ bùng nổ tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thấp hơn quy định rất nhiều, trong khi phần nợ xấu lớn nhất tập trung vào những lĩnh vực không được khuyến khích", ông Đông nhận xét.

Đánh giá về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, không chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ngân hàng và chính các ngân hàng cũng cần thay đổi để đưa ra những tiêu chuẩn riêng cho từng nhóm đối tượng, ví dụ như thay vì tài sản đảm bảo có thể nâng hạn mức cho vay tín chấp.

"Các ngân hàng cũng là các doanh nghiệp, việc đảm bảo yêu cầu an toàn hoạt động, an toàn vốn là điều đúng, nhưng những ngân hàng cũng cần đứng về phía doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Nam nhận xét.

Minh Sơn

Lượt xem: 851