Bạn đang ở đây

CEO VinaWealth: 'Mua chứng chỉ quỹ có thể lãi 20% năm 2017'

CEO VinaWealth: 'Mua chứng chỉ quỹ có thể lãi 20% năm 2017'

VinaWealth là công ty con của VinaCapital, đang quản lý tài sản 100 triệu USD. Đơn vị này tăng trưởng giá trị tài sản ròng gần 30% sau 5 năm thành lập, vận hành 4 quỹ mở và thu hút hơn 6.000 nhà đầu tư trên cả nước.

Bà Nguyễn Thái Thuận - CEO Công ty quản lý quỹ VinaWealth chia sẻ tiềm năng sinh lời khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ.

- Bà có chia sẻ tỷ suất lợi nhuận trung bình của các quỹ mở tại Việt Nam trên 15% trong năm 2016, vậy khả năng sinh lời của hình thức này năm 2017 thế nào?

- Trong năm 2016, tỷ suất lợi nhuận trung bình của các quỹ mở tại Việt Nam đạt gần 18%, khá cao so với nhiều lĩnh vực đầu tư tài chính khác. Tuy nhiên, nhìn về tổng quan, tôi thấy tình hình Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia vào khoảng 20 năm trước, khi họ mới chỉ ở bước sơ khai. Với thị trường quản lý quỹ, thông thường phải mất 5-10 năm mới đủ sức thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ hoạt động khoảng 4 năm nay nên chưa phát triển cũng là điều dễ hiểu.

Đây là sản phẩm tài chính mới nên cần nhiều thời gian cho nhà đầu tư tìm hiểu thông tin, đánh giá rủi ro, mức độ lợi nhuận. Kinh doanh bất động sản cần nguồn vốn lớn, chơi chứng khoán phải rành phân tích các chỉ số kinh tế. Còn mua chứng chỉ quỹ mở chỉ phải bỏ ra từ vài triệu đồng là có thể tham gia, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, từ sinh viên, nhân viên văn phòng, người về hưu hay cả bà nội trợ.

Bà Nguyễn Thái Thuận - CEO Công ty quản lý quỹ VinaWealth.

Bà Nguyễn Thái Thuận - CEO Công ty quản lý quỹ VinaWealth.

- Bỏ ra vài triệu đồng đã có thể tham gia quỹ mở nhưng hình thức đầu tư này chưa thu hút sự quan tâm của nhiều người. Lý do vì sao, thưa bà?

- Tâm lý người dân vẫn có thói quen thích gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng lợi và đảm bảo an toàn cho tiền vốn của mình. Tuy nhiên, điều này dần thay đổi khi lớp trẻ hiện nay đổi mới tư duy, thích kinh doanh và mạo hiểm hơn.

Một điểm khác là nhiều người thích đầu tư kiểu lướt sóng, vừa mới có lợi nhuận là quyết định bán ngay. Trong khi đó, mua chứng chỉ quỹ cần có tầm nhìn dài hạn, sự gắn bó ổn định ít nhất là khoảng một năm hoặc đến 3 năm để công ty quản lý quỹ tối ưu hóa quy trình đầu tư dòng tiền của khách hàng, thu về lợi nhuận tối đa.

Hơn nữa hiện nay nhà đầu tư vào quỹ mở phải đóng thuế trên các khoản tiền lợi tức thu về, cũng tạo nên trở ngại tâm lý.

- Một số công ty quản lý quỹ kết hợp với ngân hàng để bán chứng chỉ quỹ, giống hình thức bảo hiểm liên kết với ngân hàng. Bà chia sẻ gì về mối lương duyên này?

- Chúng tôi chào bán chứng chỉ quỹ từ năm 2014. Do đây là loại hình quá mới nên khách hàng không biết gì về sản phẩm, thiếu kênh phân phối hợp lý. Công ty phải chọn cách gặp trực tiếp từng khách hàng nên chi phí khá cao, nhưng hiệu quả lại thấp vì không đánh trúng đối tượng tiềm năng.

Qua năm 2015, nhận thấy ngân hàng là một kênh phù hợp để giới thiệu sản phẩm nên VinaWealth đã đẩy mạnh đàm phán tìm kiếm đối tác. Việc tiếp cận ban đầu tương đối khó khăn, nhưng qua quá trình làm việc, chúng tôi đã thuyết phục được họ rằng đây không phải là việc cạnh tranh giành khách hàng mà giúp ngân hàng mở rộng danh mục sản phẩm đến người dùng.

Hơn nữa, qua quá trình này, ngân hàng còn giới thiệu nhiều sản phẩm khác, bán chéo thêm sản phẩm dịch vụ. Đội ngũ tư vấn viên chính là các giao dịch viên của ngân hàng nên chi phí đầu tư nhân lực giảm đáng kể. Nhờ vậy, số tiền huy động qua kênh ngân hàng năm 2015 được 85 tỷ và qua năm 2016 vọt lên đến 475 tỷ đồng.

Việc tư vấn thông tin cho khách hàng cũng rất quan trọng. Đội ngũ chuyên gia của VinaWealth sẽ phân tích các yếu tố kinh tế từ vĩ mô đến vi mô, đưa ra đánh giá cho từng ngành cụ thể, kể cả dài hạn và ngắn hạn. Từ đó, dòng tiền của khách hàng được đầu tư vào những lĩnh vực giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận tốt.

- Sau 4 năm hoạt động, danh mục tài sản của VinaWealth hiện khoảng 100 triệu USD. Bà có thể chia sẻ cách gia tăng danh mục tài sản trong thời gian ngắn?

- Hiện nay danh mục tài sản của VinaWealth khoảng 100 triệu USD, trong đó có 2 quỹ mở chính là quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF) và quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF), thu hút hơn 6.000 nhà đầu tư. Công ty còn triển khai các tài khoản ủy thác đầu tư (VIPS) dành cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, tư vấn đầu tư, cung cấp báo cáo nghiên cứu thị trường, phân tích, tư vấn cấu trúc sản phẩm...

Chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng trong nước và quốc tế những giải pháp và dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Nhờ truyền thống kinh doanh và cơ cấu tổ chức tinh gọn, nên doanh nghiệp có thể linh hoạt và đáp ứng một cách nhanh chóng trước những nhu cầu của khách hàng và điều kiện thay đổi không ngừng của thị trường. VinaWealth còn thừa hưởng kinh nghiệm, năng lực và mối quan hệ kinh doanh nhờ lợi thế là thành viên của Tập đoàn VinaCapital đang quản lý danh mục tài sản 1,5 tỷ USD.

- Mục tiêu tăng trưởng của công ty trong năm nay?

- Kết thúc năm 2016, cả 2 quỹ đều đạt kết quả kinh doanh rất rốt. Cụ thể quỹ trái phiếu VFF đạt lãi suất trên mỗi chứng chỉ 9%, tăng trưởng 34,8%. Còn quỹ cổ phiếu VEOF lãi 16,7%, tăng trưởng 28%.

Chúng tôi dự kiến năm 2017, tình hình sẽ tiếp tục khả quan nhờ sự ổn định của thị trường chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận tăng thêm 2-5% so với năm ngoái, tức dao động 20-24%.

VinaWealth sẽ giới thiệu ra thị trường 2 quỹ mới là quỹ UCITS hướng đến nhà đầu tư nước ngoài và quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt (VESAF). Bên cạnh kênh ngân hàng, chúng tôi sẽ mở rộng nhiều kênh quảng bá sản phẩm đến khách hàng, chú trọng hình thức tiếp thị số, tổ chức sự kiện đến từng công ty...

Ngoài ra công ty sẽ tăng thêm tỷ trọng khách hàng tổ chức so với khách hàng cá nhân chiếm đa số như hiện tại. Đây là một phân khúc quan trọng, không chỉ đem đến nguồn vốn huy động lớn mà còn có cả sự chuyên nghiệp và ổn định trong kinh doanh.

Thành tựu nổi bật của VinaWealth

ceo-vinawealth-mua-chung-chi-quy-co-the-lai-20-nam-2017-1

Xem ảnh lớn tại đây.

Minh Trí

Lượt xem: 3,015