Bạn đang ở đây
Lý do tôi không muốn mua ôtô
Lý do tôi không muốn mua ôtô
Neil Patel là đồng sáng lập các công ty phân tích số liệu khách hàng Crazy Egg, Hello Bar và KISSmetrics. Anh đã giúp nhiều công ty như Amazon, NBC, GM, HP và Viacom tăng trưởng doanh thu. Patel nổi tiếng là doanh nhân có cuộc sống tối giản - không nhà, không xe. Trên Entrepreneur, anh đã giải thích lý do mình lựa chọn cách sống như vậy.
Neil Patel cho rằng có nhiều lựa chọn khác để di chuyển thay vì mua ôtô. Ảnh: Neil Patel |
Bạn của tôi - Mike có một chiếc Lamboghini. Còn tôi thì không. Thực ra là tôi chẳng có cái ôtô nào cả. Trước đây, khi bay về sau mỗi chuyến công tác, Mike sẽ lái xe đến đón tôi.
Các cô gái rất thích cậu ấy. Nhưng tôi thì không ưa xe của Mike chút nào, vì không để vừa hành lý. Tôi phải ôm vali trên đùi suốt đường về nhà, và chẳng thể nhìn ra cửa sổ.
Đó là lý do vì sao tôi thích Mike đón mình bằng chiếc Mazda của cậu ấy hơn. Đừng hiểu lầm, xe đẹp không có tội lỗi gì cả. Tôi biết nhiều người thành công có những chiếc xe rất đẹp. Nhưng riêng với tôi, sở hữu chúng sẽ khiến tôi khó trở thành doanh nhân thành đạt.
Vì thế, tôi quyết định không mua xe. Với những lý do như sau.
Xe hơi bị đánh giá quá cao
Thật tuyệt khi lái Ferrari hay McLaren trên đường phố. Anh sẽ gây chú ý với những chiếc xe hào nhoáng đó. Nhưng đó là tất cả.
Sở hữu một chiếc xe xịn mang lại cho bạn cảm giác mới mẻ, được chú ý. Tất cả chỉ là về cảm xúc mà thôi.
Tôi từng lái Ferrari rồi. Tôi thậm chí kiếm được tiền nhờ quảng cáo cho một đại lý siêu xe. Nhưng đó không phải đam mê thực sự của tôi.
Dĩ nhiên, có những người sưu tầm xe, chơi xe. Nhưng đa phần chỉ là muốn trải nghiệm cảm giác đó. Cuối cùng, họ thường nhận ra cảm giác đó sẽ tiêu tan và bản thân đang mắc kẹt trong một tài sản không thể sử dụng quá nhiều.
Vậy, xe hơi thực chất để làm gì? Chỉ là phương tiện đi lại thôi, không hơn.
Vì thế, tôi lựa chọn cách hạn chế những gì khiến mình phân tâm
Tôi có quan điểm sống ở mức tối giản. Tôi không sở hữu nhà, không mua ôtô. Tôi không có các chi phí phát sinh lớn, mặc đồ như nhau mọi ngày, ăn giống nhau nữa. Cuộc sống của tôi cực kỳ đơn giản.
Tôi càng đưa thêm nhiều thứ vào cuộc đời mình, tôi càng dễ phân tâm. Tôi không thể tập trung vào những thứ quan trọng nhất, đó là việc kinh doanh và các mối quan hệ.
Mua xe đồng nghĩa với việc sẽ phát sinh chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và nhiều cái lặt vặt khác. Bên cạnh đó, tôi không thật sự cần nó, vì đã có Uber hay các loại phương tiện khác.
Tôi cũng làm phép tính rồi, tôi tiêu tốn 8,2 giờ mỗi tuần trên ôtô. Con số này tương đương 426 giờ một năm. Một số còn ngồi trên ôtô nhiều hơn nữa. Tôi không thực sự phải lái xe đi làm, nhưng tôi cần đi họp.
Cứ giả sử mỗi người trung bình cho 40 giờ một tuần để làm việc, tôi đã có 10,5 tuần làm việc nhiều hơn đối thủ. Tức là tôi có nhiều thời gian làm việc mỗi năm hơn đối thủ của mình, vì tôi không phải lái xe.
Với một doanh nhân, thời gian là tiền bạc. Công ty nào làm nhanh hơn thì sẽ thắng. Bằng việc không phải lái xe, tôi có thêm 10,5 tuần mỗi năm để đánh bại đối thủ.
Một chiếc xe hơi không có ý nghĩa về mặt kinh doanh
Được rồi, không phải thứ gì trong cuộc sống cũng cần "có ý nghĩa về mặt kinh doanh". Nhưng tôi luôn nghĩ xe cộ nằm trong nhóm đó. Tôi từng mượn xe của bố mẹ - một chiếc Toyota Camry 1989. Sau đó vài năm, tôi nâng cấp lên Honda Civic 1998.
Khi bắt đầu kiếm ra tiền, tôi quyết định mua xe riêng – Nissa Versa. Tôi cần phương tiện nào đó để đi tới Seattle. Và chiếc Versa đã làm đúng nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng chiếc xe này khiến mình phân tâm nhiều quá. Tôi phải đổ xăng, tìm nơi đỗ và đứng chôn chân hàng giờ vì kẹt xe. Quá lãng phí thời gian. Vì thế, tôi tặng lại cho một người bạn. Điều kiện duy nhất là anh ấy cho tôi đi nhờ xe khi tôi cần.
Với tôi, thỏa thuận này có ý nghĩa kinh doanh hoàn hảo. Mua xe, tặng lại, không lo lắng về những thứ râu ria và được đi miễn phí.
Người bạn tôi đã nói ở phần đầu - Mike - cực kỳ thích xe. Anh ấy cho thuê Lamborghini và Range Rover, kiếm được nhiều tiền hơn số đã chi cho chúng nữa. Anh ấy còn có nhiều thương vụ khá hời nhờ xe sang. Với Mike, sở hữu ôtô cũng có ý nghĩa kinh doanh.
Một người bạn khác của tôi - Tim Sykes cũng thích xe đẹp. Tuy nhiên, anh ấy không mấy quan tâm đến tốc độ, mà chú trọng vào giá trị kinh doanh của chúng. Anh ấy viết blog về chúng và đăng ảnh trên Instagram, kiếm được thêm cả triệu USD nữa. Danh tiếng là một triệu phú thành đạt dĩ nhiên đã giúp anh quảng bá sản phẩm tốt hơn. Chiến lược của Sykes cũng hoàn toàn có ý nghĩa kinh doanh.
Còn tôi giờ không có ôtô nữa. Và đó cũng là quyết định trên góc độ kinh doanh. Nếu cần đi đâu, tôi có thể dùng dịch vụ đi nhờ xe. Khoảng thời gian 20 phút thừa sức giúp tôi xử lý 30 email và thực hiện 5 cuộc điện thoại. Việc này sẽ giúp sinh ra tiền.
Tôi có một người bạn tên Barry. Cậu ấy là một doanh nhân rất giỏi. Mỗi lần Barry cho tôi lời khuyên, tôi đều lắng nghe. Cậu ấy từng nói: "Khi cậu già đi, cậu sẽ nhận ra cái gì là thực sự quan trọng. Đó là gia đình, các mối quan hệ, chứ không phải cảm giác 'ngầu'. Xe của cậu chỉ là cái xe thôi. Đau đầu lắm. Mua cái gì rẻ rẻ ấy. Thời trẻ tôi từng lái Ferrari, nhưng giờ chỉ đi Camry. Nếu được làm lại, tôi chẳng mua Ferrari đâu. Lãng phí lắm".
Thế nên, để tôi nhắc lại lần nữa nhé. Với nhiều người, xe rất quan trọng. Và điều đó không vấn đề gì.
Còn riêng với tôi, lý do rất đơn giản. Tôi chọn tập trung năng lượng, đam mê và tiền bạc của mình vào những thứ thực sự có ý nghĩa. Mà với tôi là gia đình và bạn bè. Đi nhờ xe sẽ giúp tôi tối ưu hóa thời gian, có thêm 426 giờ một năm cho những gì quan trọng nhất.
Hà Thu (theo Entrepreneur)