Bạn đang ở đây

Bí quyết trồng nấm ở vùng biển của chàng cử nhân trẻ

Bí quyết trồng nấm ở vùng biển của chàng cử nhân trẻ

Khác với nhiều bạn trẻ khác khi ra trường đều tìm công việc phù hợp tại thành phố, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Lê Minh Quốc quyết định về quê thực hiện ước mơ ngày nhỏ của mình là trồng trọt sau một năm làm việc cho một doanh nghiệp để lấy kinh nghiệm.

Năm 2011, Quốc chọn khởi nghiệp với nghề trồng nấm. Cậu sinh viên trẻ vay 50 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vào nghề. Tuy nhiên, sau mấy lần thử nghiệm, nấm trồng không thành công, nguồn vốn vay ban đầu dần cạn kiệt.

“Khí hậu vùng biển quê tôi khác với những nơi trồng nấm khác, nên khi áp dụng quy trình của họ vào làm thì liên tục thất bại. Qua những lần đó, tôi bắt đầu rút ra kinh nghiệm riêng trong quá hấp rơm, cấy nấm cho phù hợp với điều kiện khí hậu nơi mình sinh sống và rút ra bí quyết là trồng nấm rơm vào mùa nắng, còn mùa mưa chuyển qua làm nấm bào ngư”, Quốc chia sẻ và cho hay, nấm rơm và nấm bào ngư đều dùng chung một nguyên liệu là rơm. Thế nhưng quy trình trồng nấm bào ngư dễ hơn nấm rơm rất nhiều, chỉ cần mua phôi đã được làm sẵn về cấy, trong khi nấm rơm phải có quá trình tự tạo phôi rất nhọc công. Khắc phục hạn chế thời tiết, từ việc trồng nấm ngoài trời, Quốc đã chuyển quy trình trồng nấm vào trong nhà.

vuon-nam-cho-thu-nhap-tram-trieu-cua-chang-cu-nhan-tre

Lê Minh Quốc với sản phẩm nấm của mình.

Yếu tố quyết định thành công của nghề nấm đó là việc chọn nguyên liệu, trong đó khâu chọn rơm là quan trọng nhất. Muốn sản phẩm nấm tốt, đạt chất lượng cao thì ban đầu phải chọn được loại rơm khô, không bị ướt nước, úng hoặc mốc. Khi chọn được rơm, nguồn nước tưới trong quá trình ủ rơm không được nhiễm phèn, mặn và cần ủ với tỷ lệ vôi phù hợp. Bên cạnh đó, việc chọn phôi nấm quan trọng không kém, phải lựa chọn đúng nơi cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, quy trình hấp rơm của Quốc cũng không giống hoàn toàn như sách, mà dựa vào điều kiện khí hậu địa phương, anh dùng vôi ủ rơm làm nhiệt độ cao hơn, rơm nhanh mục và giúp khử trùng trong rơm. Sau khi ủ rơm bằng vôi cho mục, đem rơm ủ thành đống, cứ 3 ngày đảo rơm một lần, tùy theo mức độ khô, ướt của đống rơm mà cân đối việc tưới thêm nước. Sau 10 đến 12 ngày thì rơm tơi, đưa rơm vào bịch và cấy phôi nấm lên, rồi dùng nylon ủ lại. Khoảng một tuần sau thì dỡ bịch, kiểm tra nước, nhiệt độ, độ ẩm, nếu không đạt phải tưới thêm nước. Một tuần sau nấm bắt đầu ra. Tính từ lúc đem rơm ủ đống cho đến lúc ra nấm là gần một tháng.

Quốc cho biết, trung bình mỗi năm thu hoạch 4 đợt nấm rơm và bào ngư, bình quân mỗi đợt thu 2.000 bịch, mỗi bịch cho sản lượng 0,5kg. Với giá nấm rơm bán tại nhà hiện 50.000-60.000 đồng một kg, nấm bào ngư 20.000-25.000 đồng, mỗi tháng Quốc thu hơn 8 triệu đồng. Ngoài trồng nấm, Quốc còn trồng rau má, rau đắng và buôn bán rau tại nhà. Mỗi tháng, tổng thu nhập trên 10 triệu đồng.

“Tuy biết nhu cầu thị trường về nấm rất lớn, nhưng tôi mới chỉ cung cấp cho những mối nhỏ và bán lẻ tại nhà nên chưa mở rộng sản xuất. Tôi đang tính cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là bịch hút chân không giúp tăng thời gian bảo quản nấm rơm, nấm bào ngư. Khi đó, sản phẩm của tôi có thể bán đi xa, và có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất. Năm 2016 này, tôi sẽ thử nghiệm trồng nấm linh chi và mộc nhĩ. Hai loại này có thể phơi khô để bán, giá thành cao hơn”, Quốc bày tỏ.

Mô hình khởi nghiệp của Lê Minh Quốc ở thôn biển Cửu Lợi Nam tuy mới, nhưng đang trở thành mô hình học hỏi của thanh niên địa phương. Bí thư chi đoàn thôn Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Ở làng biển Cửu Lợi Nam này, hầu hết mọi người đều sinh sống nhờ nghề biển, nhiều người làm thuê làm mướn, nên việc anh Quốc phát triển mô hình trồng nấm cho thu nhập cao là điều mơ ước của nhiều người trong thôn. Trong tương lai, anh Quốc sẽ phát triển rộng cơ sở sản xuất, tạo được việc làm cho nhiều người và đặc biệt là tạo điều kiện cho các bạn trẻ trong thôn mạnh dạn phát triển những mô hình kinh tế khác”.

                                    Phương Thảo

Lượt xem: 3,202