Bạn đang ở đây

Doanh nghiệp châu Á nợ thêm 14 tỷ USD vì nhân dân tệ

Doanh nghiệp châu Á nợ thêm 14 tỷ USD vì nhân dân tệ

Theo số liệu của Bloomberg, không tính Nhật Bản và Trung Quốc, khối nợ gần 1.600 tỷ USD (cả trái phiếu và các tiền mặt) niêm yết bằng USD và euro của các công ty đã phình thêm 14 tỷ USD trong đợt phá giá kéo dài 3 ngày của đồng nhân dân tệ (NDT). Dù nhiều doanh nghiệp có dự phòng rủi ro tỷ giá, cả chi phí dự phòng và tiền trả nợ của họ cũng vẫn nhích lên.   

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ giá nội tệ 3 ngày liên tiếp, với mức giảm lớn nhất từ năm 1994. Động thái này cũng gây ra làn sóng bán tháo tiền tệ tại nhiều nước châu Á, đẩy rupiah Indonesia và ringgit Malaysia về đáy 17 năm. Đồng baht Thái cũng xuống đáy 6 năm vài ngày trước.

china-4-9907-1439551447.jpg

Bên ngoài một quầy đổi tiền tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: Bloomberg

NDT mất giá cũng gây tác động lên các thị trường nợ khác. Phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ với trái phiếu Chính phủ Malaysia đã chạm 1,71% hôm thứ Tư - cao nhất từ tháng 10/2011. Phí này tại Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam cũng lên cao nhất hơn một năm.

Nhà đầu tư cũng đang đòi hỏi nhiều hơn khi nắm giữ trái phiếu được đánh giá "rác" tại châu Á, với lãi cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ 0,25%, Bank of America Merrill Lynch cho biết. Trong khi đó, chênh lệch này với các trái phiếu được xếp hạng "có thể đầu tư" là 0,05%.

Các công ty Indonesia chịu tác động mạnh nhất, Wai Hoong Leong – nhà phân tích tại hãng quản lý tài sản Nikko nhận xét. "Nếu nhìn vào lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tại Indonesia, anh sẽ thấy nợ niêm yết bằng USD là nguồn vay lớn của họ. Vì vậy, khi nội tệ yếu, lợi nhuận của họ sẽ bị giảm mạnh", ông nhận xét.

Giá trái phiếu niêm yết bằng USD của hãng lốp Gajah Tunggal và hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed Indonesia đã xuống kỷ lục tuần này, khi đồng rupiah mất 1,8% so với USD. Cả hai công ty này gần đây đều đã bị Standard & Poor’s đánh tụt tín nhiệm do việc kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn từ tỷ giá.

Tại Malaysia, đồng ringgit mất giá 2,3% hôm qua cũng làm dấy lên nhiều lo ngại. Kinh tế Malaysia đã tăng trưởng chậm nhất gần 2 năm trong quý II, sau thông tin cho thấy thuế mới đã kìm hãm tiêu dùng tại nước này. Các quỹ nước ngoài cũng rút ra 3 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Malaysia năm nay, khi Thủ tướng Najib Razak gặp rắc rối với cáo buộc sai phạm tài chính tại một công ty đầu tư quốc doanh.  

"Chúng tôi đặc biệt lo lắng về Malaysia, do tiền tệ của họ chịu áp lực rất mạnh sau khi NDT giảm giá. Rất nhiều quỹ châu Á nắm giữ trái phiếu nước này. Và tình hình hiện tại cho thấy nhà đầu tư đang rời bỏ thị trường Malaysia", Gordon Tsui - Giám đốc mảng Công cụ trả lãi cố định tại Taikang Asset Management nhận xét.

Dù vậy, tiền tệ một số nước cũng đã bắt đầu phục hồi, sau khi Thống đốc PBOC - Zhang Xiaohui hôm qua tuyên bố không có cơ sở nào cho thấy NDT sẽ tiếp tục mất giá. Tim Jagger - Giám đốc Danh mục đầu tư tại Aviva Investors Global Services cho biết: "Tôi vẫn không cho rằng NDT yếu đi là việc đau đầu đến thế. Nhưng khắp nơi đều đang kêu ca về chuyện này".

Linh Nhi (theo Bloomberg)

Lượt xem: 1,615