Bạn đang ở đây

Hàng Việt xuất ngoại qua kênh siêu thị

Hàng Việt xuất ngoại qua kênh siêu thị

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa cho biết đang đẩy mạnh kế hoạch xuất khẩu hàng Việt thông qua các doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam hoặc qua các nhà phân phối đang quan tâm.

Bà Thoa thông tin thời gian qua, Bộ đã nhiều lần làm việc với Metro, Big C, AEON, Lotte... để yêu cầu có kế hoạch phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.

Một số doanh nghiệp phân phối lớn trên thế giới cũng được Bộ xúc tiến hợp tác trong việc thu mua hàng Việt để phân phối trong toàn hệ thống như Walmart và Woolworths tại Mỹ, Auchan ở Pháp.

Báo cáo sơ kết cũng ước tính trong năm nay sẽ có 200 loại sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam được bán lẻ rộng rãi tại Hàn Quốc với giá trị khoảng một triệu USD. Con số này đã gấp 4 lần so với cuộc thâm nhập thị trường Hàn Quốc hồi năm ngoái. Quá trình này có sự đóng góp được của Lotte Việt Nam khi hàng Việt đã có mặt trong hơn 100 siêu thị của nhà phân phối này.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, con số tiêu dùng hàng Việt đã tăng đáng kể. Đại diện ngành công thương cho rằng so với 6 năm trước, khi bắt đầu triển khai, tỷ lệ người được hỏi cho biết quan tâm dùng hàng Việt đã tăng đáng kể. Tính riêng trong các siêu thị thì hàng nội đã chiếm đến 90%.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận, với các hàng có giá trị lớn như máy móc sản xuất thì tâm lý dùng hàng ngoại vẫn còn ngay cả khi mặt hàng đó trong nước đã có sản phẩm đạt chất lượng.

Bằng chứng là tại nhiều dư án, cả khi dùng vốn ngân sách, nhiều chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển G7 hoặc từ Singapore, Hàn Quốc hay phải là sản phẩm nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc.

Dù vậy, đối với nhóm hàng này, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Lê Việt Nga thừa nhận một trong những nguyên nhân khiến hàng nội kém cạnh tranh là bởi không ít trường hợp hàng chất lượng thấp nên khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án của chủ đầu tư. “Chẳng hạn như khi lắp ghép tại hiện trường thì gặp tình trạng không ăn khớp dẫn đến ngừng, trễ dự án. Chưa kể, các loại máy móc Việt Nam cũng kém cạnh tranh với hàng cùng loại nhập từ Đài Loan, Trung Quốc”, bà Nga nói.

Chí Hiếu

Lượt xem: 1,466