Bạn đang ở đây

Chuyên gia Cisco bỏ việc nghìn đô để theo nông nghiệp

Chuyên gia Cisco bỏ việc nghìn đô để theo nông nghiệp

Niềm đam mê nông nghiệp đã thấm từ rất sớm ở chàng thanh niên đến từ Đà Lạt, nên năm 2012, dù đang làm giám đốc một công ty chuyên về IT, kiêm giảng viên, Trí vẫn quyết định rẽ hướng sang lĩnh vực nông nghiệp.

Nhận thấy giống dâu ở Đà Lạt bị thoái hóa và chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân, Trí nảy ra ý định áp dụng khoa học kỹ thuật vào để tìm hiểu lý do và đưa ra những giải pháp mới trong quá trình trồng.

Ban đầu anh muốn trồng dâu theo kiểu khí canh (phun dưỡng chất lên bộ rễ của cây), nhưng khi gặp một người ở Nhật cho 7 giống dâu mới theo phương pháp trồng ogarnic, Trí đã chọn theo hướng này. Tuy nhiên, trồng dâu kiểu ogarnic không dễ vì không dùng phân hóa học, chủ yếu sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên như trộn cám, trấu với phân bò khô rồi ủ. Ở Nhật, cách làm này rất hiệu quả nhờ có hệ thống đo lường, cho ra kết quả phân tích để bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cây. Còn tại Việt Nam, vừa thiếu kinh nghiệm lẫn kỹ thuật nên vườn dâu 800 m2 trồng trong nhà kính của Trí với số tiền đầu tư hơn 200 triệu đồng cho kết quả khá èo uột, chỉ đủ để... nhà ăn.

Cisco-setop.jpg

Nguyễn Khắc Minh Trí đang dồn hết tâm huyết cho dự án đưa khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp.

Thất bại trong việc trồng dâu, Trí nhận thấy rằng không thể chăm sóc, quản lý được vườn dâu của mình từ xa, trong khi chưa thật sự hiểu được giống cây mà mình đang trồng. Lúc này Trí tự vấn: "Tại sao không lắp một hệ thống cảm biến liên quan đến toàn bộ cây trồng và vật nuôi để có những thông số kỹ thuật chính xác và gửi dữ liệu về". Câu hỏi này cũng chính là ý tưởng để Trí ra viết phần mềm giám sát, điều khiển thông minh trong nông nghiệp với tên gọi Mimosa Plant và thành lập công ty riêng vào tháng 9/2014.

Cuối năm đó, nhận thấy một số xu hướng công nghệ phát triển mạnh mẽ như Clound, Internet things, cộng với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực IT 10 năm, Trí rất muốn đem công nghệ thông tin ứng dụng để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi mà anh đặt ra là liệu người nông dân có sẵn sàng áp dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp hay không? Bởi hiện nay rất ít nông dân làm nông nghiệp theo công nghệ cao, chỉ có một số  đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun sương.

Để tạo ra phần mềm giám sát và điều khiển thông minh trong nông nghiệp, Trí phải đi tìm nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực này nghiên cứu những chỉ số về môi trường, điều kiện địa lý tác động đến sự phát triển của cây trồng. Nhưng do thiếu các hệ số cơ bản, nhóm vừa phải tiến hành nghiên cứu vừa học từ chính người nông dân, thậm chí phải thực nghiệm qua một vài vụ kết hợp với kinh nghiệm của người dân để đưa ra những thông số chính xác.

Không dừng lại ở việc giúp người nông dân giám sát các chỉ số về ánh sáng, độ ẩm không khí, gió, mưa, độ ẩm đất…, Trí còn hướng đến khái niệm tưới tiêu chính xác (precision irrigation). Với hệ thống mà nhóm nghiên cứu ra, người trồng chỉ cần bật cầu dao sẽ tưới đồng loạt hoặc có chế độ tưới hẹn giờ.

“Đây là một khái niệm mới theo xu hướng hiện đại và đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) có những tài liệu chứng minh nếu được tưới tiêu vừa đủ và chính xác thì năng suất của cây sẽ cao hơn và kháng bệnh tốt hơn. Tưới chính xác không chỉ giúp họ tiết kiệm được lượng nước đáng kể mà còn tiết kiệm cả về tài chính”, Trí nói và cho biết phần mềm Mimosa Plant sẽ giám sát được lượng bốc thoát nước của cây là bao nhiêu; lượng nước vào, ra do mưa hay do tưới, do bốc thoát hay do bị thấm mất và bù lại đúng lượng đã mất đi. Trong tương lai, anh sẽ xây dựng thêm các phần mềm dùng dưỡng chất chính xác, vì hiện nay người dân vẫn còn sử dụng lượng phân bón dư rất nhiều.

Chia sẻ về câu chuyện bỏ mức lương nghìn đô để khởi nghiệp, Trí cười nói: “Thật sự là rất mạo hiểm, nhưng tôi không cảm thấy hối hận, nuối tiếc, vì trong thời gian lập và điều hành công ty, tôi thấy mình được sống với những đam mê thật sự”.

Khởi đầu chỉ với hai nhân viên cùng 500 triệu đồng vốn, hiện nay công ty Trí đã có 10 nhân sự và 3 sinh viên cộng tác. Để có thể tồn tại và theo đuổi công trình nghiên cứu này, anh đã được bạn bè cùng một số đối tác hỗ trợ khá nhiều. Thậm chí, công ty còn được Qũy hỗ trợ khởi nghiệp ITP giúp có được một văn phòng đặt tại Khu công nghệ phần mềm ở Thủ Đức, TP HCM. Ngoài ra, Trí còn hợp tác với một số trại chăn nuôi để viết phần mềm quản lý cho họ.

Ngày 6/7 vừa qua, phần mềm giám sát và điều khiển thông minh  lấy thông số môi trường để đưa ra các quyết định tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của công ty Trí đã nhận được giải ba trong cuộc thi AngelHack 2015 Vietnam.

Diễm Phạm

Lượt xem: 1,290