Bạn đang ở đây

Sáp nhập Sacombank - Southern Bank vào giai đoạn then chốt

Sáp nhập Sacombank - Southern Bank vào giai đoạn then chốt

Sáng 11/7, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thông qua phương án sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) cùng các nội dung liên quan. Ba ngày sau, sự kiện tương tự sẽ diễn ra ở Southern Bank. Đây là bước quan trọng cuối cùng của tiến trình sáp nhập hai ngân hàng.

Tài liệu hai bên công bố trước cuộc họp này cho thấy trong quý III, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank có thể được cơ quan quản lý chấp thuận nguyên tắc và hoàn tất. Ngân hàng sau sáp nhập giữ tên Sài Gòn Thương Tín - Sacombank. Sang quý IV, ngân hàng sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu. Đề án đã đưa ra tỷ lệ hoán đổi 1:0,75 (một cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank) và dự kiến giữ nguyên cơ cấu nhân sự sau sáp nhập...

sac-okva-diqg-9720-1432895090-5050-14365

Sáng 11/7 Sacombank sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án sáp nhập Southern Bank.

Hai bên khẳng định việc sáp nhập được triển khai trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp ngân hàng sau sáp nhập tăng trưởng vượt bậc về quy mô, cộng hưởng thế mạnh của cả hai, gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường, đồng thời giảm thiểu chi phí.

Ngân hàng sau sáp nhập nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, có vốn điều lệ trên 18.853 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ Sacombank hơn 12.425 tỷ đồng, Southern Bank là 4.000 tỷ đồng và hơn 2.427 tỷ đồng từ vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ chia cổ tức (2013-2014) và cổ phiếu thưởng. Tổng tài sản của tổ chức mới là 290.000 tỷ đồng và dự kiến tăng lên gần 355.000 tỷ vào năm 2017. Ngân hàng sẽ có mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia, Lào, với tổng số lượng khách hàng khoảng 3,5 triệu khách hàng và trên 15.510 cán bộ. 

* Infographic so sánh thực lực Sacombank và Southern Bank

Cái "được" rất lớn trong vụ sáp nhập mà hai bên không nói ra trong các văn bản chính thức, đó là giải quyết bài toán sở hữu chéo. Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015 của Sacombank cho thấy ông Trầm Bê đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, con trai Trầm Khải Hoà là thành viên Hội đồng quản trị. Tổng sở hữu của cá nhân ông Bê cùng các con trai, con gái và con rể là hơn 84,2 triệu cổ phần, tương đương 7% vốn điều lệ Sacombank. Trong khi đó tại Southern Bank, một người con trai khác của ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng sở hữu của cả gia đình tại đây lên đến 21% vào thời điểm quý III năm 2013.

Tuy nhiên, nhiều cổ đông cũng như một số chuyên gia khuyến cáo sau sáp nhập nếu điều hành không khéo, rủi ro có thể là làm chậm quá trình phát triển đang rất tích cực của Sacombank thủa nào. Trong đề án chi tiết sáp nhập vừa được Sacombank công bố cho thấy những thách thức lớn mà nhà băng này phải đối mặt khi nhận sáp nhập Southern Bank. Theo kịch bản dự kiến, năm 2015 Sacombank trích lập hơn 1.800 tỷ đồng dự phòng; năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 sẽ trích lập trên 5.200 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% ngay từ năm đầu tiên sáp nhập.

Kế hoạch lợi nhuận 2015 đã được đại hội đồng cổ đông Sacombank thông qua ở mức 3.000 tỷ đồng trước thuế, nhưng với việc sáp nhập Phương Nam và mức dự phòng rủi ro lớn nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 lùi về khoảng 1.000 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).

Nợ xấu Sacombank hiện là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank cuối tháng 12/2013 công bố là 3,39%. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố sáng 10/7/2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%. 

Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu STB chốt ở mức 19.900 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Sacombank đạt 22.725 tỷ đồng. Trong khi đó, trên thị trường tự do, cổ phiếu PNB hiện dao động trên dưới 6.000 đồng, tương ứng với mức vốn hóa 2.400 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng này (4.000 tỷ đồng).

Thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank chính thức được khởi động từ tháng 3/2014 khi nhà băng này lần đầu tiên trình xin ý kiến cổ đông và sau đó tiến hành xây dựng đề án chi tiết đến hôm nay.

Southernbank thành lập năm 1993 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Sau 22 năm phát triển, nhà băng tăng 400 lần vốn điều lệ, lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Phương Nam những năm qua không mấy khả quan khi nợ xấu tăng cao, lợi nhuận thấp. Năm 2013, ngân hàng này lãi trước thuế 18 tỷ đồng và 2014 chỉ 17 tỷ đồng.

Trong khi đó, Sacombank thành lập năm 1991 với vốn điều lệ vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Sau 24 năm hoạt động, đến nay nhà băng này đã nâng vốn hơn 4.100 lần, tức lên 12.425 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế luôn đạt và vượt chỉ tiêu với mức trên dưới 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Biến động lớn nhất với Sacombank trong chặng đường phát triển là năm 2012 khi có sự chuyển giao "quyền lực" giữa ông Đặng Văn Thành, người đã gây dựng và phát triển Sacombank ngay từ ngày đầu thành lập cho chủ mới.

Tin đồn về việc Sacombank bị thâu tóm bắt đầu nổ ra vào tháng 7/2011. Đến tháng 2/2012, nhóm thâu tóm chính thức lộ diện khi Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Cùng lúc, thị trường xuất hiện thông tin ông Trầm Bê và những người liên quan cũng nắm một lượng lớn cổ phần của nhà băng này.

Cuộc thâu tóm kết thúc bằng cuộc họp đại hội cổ đông của Sacombank vào tháng 5/2012 với việc ông Phạm Hữu Phú (đại diện Eximbank) và một loạt lãnh đạo từ Southern Bank trúng cử vào ban quản trị và điều hành Sacombank. Ba tháng sau, ông Thành và con trai Đặng Hồng Anh rút lui hoàn toàn khỏi Sacombank.

Lệ Chi

Lượt xem: 1,770