Bạn đang ở đây

Cục Đầu tư nước ngoài: FDI từ Nhật giảm chỉ là nhất thời

Cục Đầu tư nước ngoài: FDI từ Nhật giảm chỉ là nhất thời

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký cấp mới và tăng vốn cho 81 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư gần 295 triệu USD, tăng 13 dự án nhưng lại giảm tới gần 30% về giá trị vốn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Việc Nhật Bản không còn ở vị trí thứ hai trong Top 2 trong danh sách các đối tác đổ vốn vào Việt Nam gây ra nhiều mối lo ngại, thắc mắc. Riêng năm ngoái, lượng vốn FDI từ Nhật Bản giảm tới hai phần ba. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cũng cho thấy doanh nghiệp giảm vốn vào lĩnh vực sản xuất, vốn là mũi nhọn của đất nước "Mặt trời mọc" khi đầu tư ra bên ngoài.

nhat-ban-1365-1427434903.jpg

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài nhận định vốn FDI từ Nhật Bản giảm thì là xu thế trong ngắn hạn.

Trước vấn đề này, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang nhận định sự suy giảm của dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản chỉ là hiện tượng nhất thời. "Riêng đối tác Nhật Bản thì không có lý do gì lại mất niềm tin, nhất là hai nước đã có mối quan hệ hợp tác lâu năm", ông Quang cho biết.

Vị này cũng lý giải việc kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp trong nửa cuối năm ngoái và đầu năm nay, đồng yen mất giá cũng ảnh hưởng đến dòng vốn từ Nhật Bản. "Đồng yen mất giá, Chính phủ Nhật Bản tăng chi tiêu công mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư ngay ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ trong ngắn hạn, về dài hạn họ sẽ tiếp tục đẩy vốn ra bên ngoài", đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nói.

Chia sẻ với VnExpress, ông Tadahito Yamamoto, Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện Công ty TNHH Fuji Xerox, doanh nghiệp sản xuất thiết bị in ấn hàng đầu Nhật Bản cho biết Việt Nam vẫn là một trong những cứ điểm sản xuất, phát triển hàng đầu của công ty. Theo vị này, chi phí nhân công thấp, Chính phủ dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài và cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng là những điểm hấp dẫn của Việt Nam trong mắt doanh nghiệp.

Sau khi đầu tư 120 triệu USD cho nhà máy sản xuất các thiết bị in, máy photocopy ở Hải Phòng, Fuji Xerox có kế hoạch mở rộng thêm để tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tập đoàn IHI - một đơn vị chuyên về đầu tư xây dựng hạ tầng của Nhật Bản trong quý I/2015 cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Hải Phòng, tổng trị giá 34 triệu USD. Theo ông Sadao Degawa - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành cấp cao IHI nhà máy sẽ được quy hoạch thành trung tâm cung cấp kết cấu thép cho các dự án xây dựng cầu trọng điểm, các nhà máy nhiệt điện và máy móc phục vụ xây dựng cho Tập đoàn IHI toàn cầu, sản lượng đạt 9.000 tấn thép vào cuối năm nay.

"Việc đầu tư vào Việt Nam của IHI được Chính phủ Nhật Bản khuyến khích thực hiện và tạo điều kiện trao đổi giữa Chính phủ hai nước. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều lợi thế về giá lao động, năng lực và đức tính của nhân công, chính sách đầu tư cũng đã thông thoáng hơn và có nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài", lãnh đạo IHI đánh giá.

Do vậy, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản, bởi tỷ lệ doanh nghiệp nước này có lãi vẫn duy trì 60% và khoảng 70% doanh nghiệp sản xuất gia công xuất khẩu có lợi nhuận.

Việc vốn đầu tư từ Nhật Bản giảm cũng nằm trong xu hướng giảm chung của dòng vốn FDI trong quý I/2015. 3 tháng đầu năm, cả nước ước thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

"Qua các cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, EU, tôi thấy họ muốn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ. Do đó, khi đọc báo cáo về vốn FDI đầu năm nay, tôi rất trăn trở tại sao kết quả lại quá thấp", ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang thông tin Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận được rất nhiều chất vấn tại sao vốn FDI lại giảm mạnh như vậy. Sau khi rà soát lại, Cục nhận thấy nguyên nhân chính là thiếu vắng các dự án lớn. "Việc dùng số liệu của thời gian ngắn để đánh giá tình hình cả năm chưa đủ. Nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đang trong khuynh hướng chờ đợi luật mới, hy vọng môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn khi luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015", ông phát biểu.

Phương Linh

Lượt xem: 1,911