Bạn đang ở đây

Nhà đầu tư Hàn Quốc bỏ dự án sân bay Quảng Ninh

Nhà đầu tư Hàn Quốc bỏ dự án sân bay Quảng Ninh

Dự án sân bay quy mô 7.500 tỷ đồng tại Khu Kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) có kế hoạch khởi công hôm qua (27/3) song phải lùi lại. Trước đó 8 ngày, địa phương đã có văn bản báo cáo các bộ, ngành việc đối tác ngoại từng gắn bó trong suốt hơn 2 năm triển khai thủ tục đề xuất rút lui.

van-don-0-3469-1427515151.jpg

Liên danh Hàn Quốc bất ngờ rút khỏi dự án chỉ nửa tháng trước ngày khởi công.

Cụ thể, vào ngày 13/3, liên danh KJP gồm Tổng công ty Cảng Hàng không Hàn Quốc (KAC) – Công ty TNHH Joinus – Công ty TNHH Posco E&C đã có văn bản chủ động xin thôi thực hiện dự án. Theo lãnh đạo tỉnh, lý do chính được KJP đưa ra là họ muốn đầu tư sân bay quốc tế tại Quảng Ninh, thay vì một sân bay nội địa được đón các chuyến quốc tế.

KJP từng có lợi thế rất lớn trong cuộc đua thực hiện dự án trước đó bởi đây chính là bên được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tham gia vào quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi. 3 công ty tham gia liên danh cũng đều là những doanh tên tuổi lớn, có năng lực, nhất là kinh nghiệm quản lý, vận hành sân bay. 

Tổng công ty Cảng Hàng không Hàn Quốc (KAC) là doanh nghiệp 100% vốn của Chính phủ Hàn Quốc, với bề dày hơn 35 năm khai thác cảng hạ tầng hàng không. KAC đang quản lý 6 cảng hàng không dân sự và 8 cảng hàng không dùng chung giữa dân sự và quốc phòng. Sân bay quốc tế Incheon do KAC vận hành được đánh giá là một trong những sân bay tốt nhất thế giới liên tiếp gần một thập kỷ vừa qua.

Possco E&C cũng rất quen thuộc với các nhà quản lý Việt Nam, đã trúng thầu hàng loạt dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng.

Theo báo cáo khả thi đã được tỉnh phê duyệt, sân bay Quảng Ninh cấp 4E với quy mô một đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay tối thiểu cho 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321, nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Công trình sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn trên diện tích khoảng 290ha. Trong tổng mức đầu tư dự án gần 7.500 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) thì chi phí xây dựng và thiết bị vào khoảng 5.250 tỷ. 1.500 tỷ để dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 730 tỷ đồng. Ngoài nguồn giải phóng mặt bằng được ngân sách hỗ trợ, số còn lại được huy động bằng vốn vay hoặc tự có của nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Chí Hiếu

Lượt xem: 1,751