Bạn đang ở đây

Ông Vũ Tiến Lộc: 'Kinh doanh giống như đi cày'

Ông Vũ Tiến Lộc: 'Kinh doanh giống như đi cày'

Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp, được gọi với cái tên không máy thiện cảm "con buôn", "con phe" trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, người doanh nhân đã được xác lập lại vị trí, đánh dấu bằng cột mốc 13/10 hằng năm. Đến năm 2013, vai trò của doanh nhân được xác lập trong Hiến pháp, là lực lượng chủ lực, chủ công trong công cuộc chấn hưng đất nước, đảm đương sứ mệnh “Người lính thời bình”.

Nhân ngày kỷ niệm của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, VnExpress vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chặng đường phát triển vừa qua.

Vu-tien-loc-7100-1413133211.jpg

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng sứ mệnh của cộng đồng doanh nhân là tạo ra những sản phẩm, thương hiệu "Made in Vietnam" trụ vững trên sân nhà và thâm nhập vào các thị trường lớn. Ảnh: Nhật Minh

- Ngày 13/10/2014 kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam ra đời. Trong một thập niên, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp?

- So với các nước trên thế giới, cộng đồng doanh nhân Việt Nam vẫn còn trẻ về tuổi đời vì chỉ thực sự bắt đầu phát triển cách đây gần 3 thập niên, khi công cuộc Đổi mới và sau đó là Luật Doanh nghiệp ra đời. Đến năm 2004, ngày 13/10 được chọn làm ngày Doanh nhân thì đội ngũ mới chính thức xác lập được vị trí trong xã hội.

10 năm qua cũng là một chặng đường dồn nén nhiều thăng trầm của cộng đồng doanh nhân Việt. Sau giai đoạn 2004-2007 đầy hứng khởi, phát triển bùng nổ, có phần dễ dãi, thiếu căn cơ, dựa trên nguồn tín dụng giá rẻ, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản… khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năm 2008, đội ngũ doanh nghiệp Việt đã bị đẩy vào tình trạng khó khăn.

Nhiều doanh nhân trước đây có thể tay không bắt giặc, thì khi đương đầu với suy thoái kinh tế đã phải từ bỏ giấc mộng kinh doanh. Đến thời điểm này, cả nước chỉ còn khoảng 485.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 67% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Tuy nhiên, số doanh nhân trụ lại được sau cơn bão đã trưởng thành hơn rất nhiều và rút ra nhiều bài học.

- Những bài học đó là gì, thưa ông?

- Trước đây do kiếm tiền rất dễ dàng, lập doanh nghiệp được ví như đi trảy hội mà thiếu tính chuyên nghiệp, bài bản và cẩn trọng. Bên cạnh đó, một bộ phận mới thành công nhưng không chú trọng đầu tư phát triển công nghệ, quản trị mà lại nhảy ngay sang bất động sản, tài chính ngân hàng, đã gây hậu quả là Việt Nam mất đi cơ hội có những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh.

Bước đi của cộng đồng doanh nhân vì thế cũng bị thụt lùi, thậm chí còn phải trả giá gấp đôi do không những không vươn lên được trong chính lĩnh vực chính mà còn thua thiệt trong làn sóng đa ngành.

Nhưng rất may là qua thời gian trải nghiệm, các doanh nghiệp đã ngộ ra nhiều điều và có sự điều chỉnh. Nhiều đơn vị đã từ bỏ lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và quay trở lại những gì thực chất. Dù có muộn màng, nhưng đây cũng là bài học đau xót cho thế hệ doanh nhân hiện nay và tương lai về việc phải làm ăn bài bản, chú ý đến nền tảng quản trị.

Đặc biệt, làm kinh doanh thời nay không phải như đi trảy hội mà giống như vác cày ra mảnh ruộng của mình, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới mong gặt hái được mùa vàng.

- Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từng nhận xét Việt Nam đang thiếu một ngành công nghiệp mũi nhọn và đây có một phần trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?

- Đúng là qua gần 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có một thế hệ doanh nghiệp làm ra những thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới, có sức cạnh tranh toàn cầu. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, giống như hình ảnh đội thuyền thúng nhỏ li ti hàng ngày ra khơi. Đội ngũ này thiếu này về nguồn lực nên không tránh khỏi yếu về quản trị và công nghệ, hiệu quả không cao.

Hiện nay có thể nói Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ phát triển mới. Các doanh nghiệp đã tự tái cấu trúc, chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng quản trị và công nghệ và đặc biệt biết đề cao trách nhiệm xã hội để tạo hình ảnh đẹp trong mắt người tiêu dùng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh.

- Ví doanh nghiệp Việt Nam như đội thuyền thúng ra khơi, gặp nhiều thương tích thời gian qua. Vậy trong thời gian tới, có những động lực gì để đội thuyền này khôi phục và khỏe mạnh hơn?

- Để đội thuyền thúng - hay những doanh nghiệp nhỏ lớn lên, phải đề cập đến vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ và nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.

Hiện môi trường kinh doanh đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, thể thiện qua tình hình vĩ mô bước đầu ổn định và cải cách thể chế có dấu hiệu đột phá. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn sẽ mở ra không gian mới cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và thỏa sức vẫy vùng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội này để phát triển hay không lại phụ thuộc lớn vào cải cách thể chế trong nước. Nếu cải cách đủ mạnh, đủ lớn sẽ yểm trợ cho doanh nghiệp mạnh lên, tận dụng tốt các cơ hội. Điều này cũng có nghĩa gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), hay sắp tới là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác chỉ tạo ra mảnh đất màu mỡ để canh tác, còn doanh nghiệp phải chăm chỉ, căn cơ thì mới mong thành công.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, mục đích chính là tạo ra sự hài hòa, hội nhập với thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với tự thân doanh nghiệp, phải xác định khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ sẽ có nhưng hàng rào khác được dựng lên - hàng rào kỹ thuật. Các hàng rào này có thể vô hiệu hóa mọi nỗ lực thâm nhập thị trường. Để vượt qua rào cản này, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chất lượng và trách nhiệm xã hội, không gây tổn hại đến môi trường, chăm lo đảm bảo đời sống của người lao động. Dù thâm nhập thị trường từ cái tăm, lọ tương ớt cho đến bộ phận của tàu vũ trụ, tất cả đều phải tuân thủ những quy chuẩn.

Tôi tin rằng ở bất kỳ nước nào, dù nhỏ đến đâu cũng có thể tạo ra những sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã trở lại và đang bắt đầu một quá trình đầu tư mới, cẩn trọng hơn, bớt ồn ào, bài bản và thiết thực hơn. Với một tâm thế như vậy cộng với môi trường kinh doanh cải thiện, hội nhập được gia tốc, doanh nghiệp có thể vươn lên trưởng thành trong thời gian tới.

- Ông kỳ vọng gì vào thế hệ doanh nhân sắp tới?

- Việt Nam đang kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân mới đủ sức làm ra những thương hiệu Việt, với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội. Đây cần là một thế hệ kinh doanh chuyên nghiệp, bài bản, một thế hệ không ồn ào nhưng thực chất, đủ sức đương đầu với hội nhập và xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Có thể nói, những doanh nhân trụ được tới thời điểm này đã khác trước rất nhiều. Với những doanh nhân vừa trải qua cơn bạo bệnh, họ đã có một sự trải nghiệm đáng nhớ và chuyển mình. Còn thế hệ doanh nhân trẻ, những người được học hành bài bản, làm việc trong môi trường bình đẳng hơn đang lớn dần lên.

Tuy nhiên, điều quan trọng sắp tới là cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay tạo nên một thế hệ những nhà công nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không chỉ là những doanh nghiệp, doanh nhân tốt lỏi. Với một người dân bình thường trên thế giới, hình ảnh về một Việt Nam đổi mới và phát triển cần được nhận biết qua những sản phẩm, thương hiệu giống như người Nhật đã lấy được cảm tình của quốc tế với các thương hiệu Honda, Toyota … Sứ mệnh của doanh nhân là phải xây dựng được những thương hiệu chinh phục được người tiêu dùng.

- Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông mong ước điều gì trong giai đoạn tới?

- Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn mong mỏi có được một môi trường kinh doanh đảm bảo bình đẳng, minh bạch để họ được thực hiện quyền tự do kinh doanh theo đúng những quy định trong Hiến pháp và những lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Chúng ta thực sự cần một đội ngũ công chức tận tâm với người dân và doanh nghiệp. Và chúng ta cũng trông đợi doanh nhân có thể nỗ lực tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam” tử tế, đàng hoàng. Mỗi cố gắng, nỗ lực tận tâm của các doanh nhân và công chức sẽ là những viên gạch góp phần xây dựng thành trì kinh tế Việt Nam, đủ sức chống chọi phong ba bão táp.

Phương Linh

Lượt xem: 1,876