Bạn đang ở đây

Dự án thép 4,5 tỷ USD tiếp tục trì hoãn, xin gia hạn tiến độ

Dự án thép 4,5 tỷ USD tiếp tục trì hoãn, xin gia hạn tiến độ

20-9-Anh-1-Du-an-thep-3435-1411189202.jp

Sau 10 năm động thổ, siêu dự án thép được cho là có vốn đầu tư 4,5 tỷ USD vẫn đã bãi đất hoang chăn thả bò ở Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh:Trí Tín.

Làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất ngày 19/9, lãnh đạo Tập đoàn E-United (Đài Loan) đề nghị cơ quan chức năng Quảng Ngãi được tiếp tục triển khai dự án thép Quảng Liên (Guang Lian) tại địa phương này sau khi Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) rút lui. 

Sau khi báo cáo tiến độ các hạng mục đã triển khai, E-United đề nghị tiếp tục được triển khai dự án, dự kiến khởi công vào tháng 9/2015. Với những đề nghị này của nhà đầu tư Đài Loan, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất ghi nhận và sẽ báo cáo lại với tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quyết định. Lãnh đạo Ban Quản lý cũng buộc nhà đầu tư cam kết triển khai đúng tiến độ theo từng hạng mục chi tiết, cụ thể nếu muốn tiếp tục đầu tư dự án thép này tại Dung Quất. 

Trao đổi với VnExpress.netông Trần Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết thêm, cứ mỗi lần tỉnh muốn thu hồi dự án thì E-United lại xin gia hạn điều chỉnh hoặc mời nhà đầu tư khác vào liên danh, góp vốn gây chậm tiến độ kéo dài. Trước tình hình này, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho UBND tỉnh phải họp lắng nghe, bàn bạc kỹ về dự án thép này.

20-9-Anh-1-Du-an-thep-Quang-Li-7436-2631

Hàng trăm ha đất của dự án thép Quảng Liên sau 10 năm động thổ hiện mới chỉ lèo lèo vài cọc nhồi. Ảnh:Trí Tín.

"Nếu nhà đầu tư có thiện chí tiếp tục đầu tư thì buộc ký cam kết, tuân thủ khung chế tài pháp lý. Nếu lần này họ không thực hiện đúng tiến độ thì phải thu hồi giấy phép, giao đất cho nhà đầu tư khác, chứ không thể chấp nhận dự án chiếm đất quá lớn chậm kéo dài cả chục năm nay rồi", ông Minh nhấn mạnh. 

Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã bác hàng loạt đề xuất ưu đãi đối với dự án thép Quảng Liên Dung Quất do Tập đoàn thép JFE liên doanh E-United đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất. Theo đó, Chính phủ không đồng ý ngân sách tiếp tục chi tiền đền bù diện tích đất bổ sung; không chấp thuận chi phí nạo vét luồng lạch để điều chỉnh quy hoạch tăng số lượng cảng biển, chỉ đồng ý giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm chứ không miễn hoàn toàn loại thuế này cho suốt đời dự án.

Sau khi Chính phủ bác đề xuất ưu đãi, Tập đoàn thép JFE chính thức tuyên bố rút lui khỏi "siêu dự án" này. Lãnh đạo Tập đoàn cũng từng thông báo xin lùi dự án thép Dung Quất đến tháng 7/2014 khởi công (thay vì tháng 7/2013 theo kế hoạch ban đầu mà Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với nhà chức trách Việt Nam). Song, đến nay đã quá hạn mà dự án vẫn "dậm chân tại chỗ".

20-9-Anh-3-Du-an-thep-Quang-Li-1748-5529

Dù chưa triển khai thi công, thế nhưng chủ đầu tư dự án thép Quảng Liên đã xây tường chắn ngang tuyến đường từ Dốc Sỏi đi cảng Dung Quất gây cản trở lớn cho việc đi lại của hàng loạt doanh nghiệp và nhân dân ở khu vực này suốt nhiều năm qua. Ảnh:Trí Tín.

Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được cấp phép từ năm 2006, khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn một tỷ USD. Sau đó, thêm một tập đoàn hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Dự án khởi công tháng 10/2007, nhưng triển khai ì ạch qua năm lần điều chỉnh quy mô, công suất, thiết kế.

Năm 2008, dự án hợp tác với Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam, vốn điều chỉnh lên trên 3,3 tỷ USD. Đến đầu năm 2012, Tập đoàn JFE quyết định liên doanh với E-United xây dựng nhà máy thép giai đoạn đầu 4,5 tỷ USD nhưng đến nay thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư vẫn chưa hoàn tất. Hàng trăm ha "đất sạch" tỉnh Quảng Ngãi ưu ái chi ngân sách đền bù, giải tỏa bàn giao cho nhà đầu tư dự án thép 7 năm qua tiếp tục bị bỏ hoang. 

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển cho rằng, trong nền kinh tế thị trường sự tham gia hay rút khỏi là quyền tự quyết của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, với thực tế của ngành thép trong nước hiện nay, Việt Nam nên xem xét lại chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép.

Theo ông Đào, Việt Nam cần có chính sách thu hút lâu dài để phát triển ngành này, không nên cấp phép đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực sản xuất thép tấm, thép xây dựng, thép cuộn.... Cần hướng tới việc cấp phép cho các nhà đầu tư sản xuất thép đặc chủng, thép phục vụ cơ khí chế tạo và sản phẩm thép hướng tới xuất khẩu.

Trí Tín

Lượt xem: 1,971