Bạn đang ở đây
Geleximco và bản lĩnh kiên định “chỉ tiến không lùi”
Geleximco và bản lĩnh kiên định “chỉ tiến không lùi”
Suốt hơn 3 thập kỷ qua, Tập đoàn Geleximco đã không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của ông Vũ Văn Tiền, một doanh nhân có tầm nhìn chiến lược và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, Geleximco đã mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: Sản xuất công nghiệp, tài chính – ngân hàng, bất động sản và thương mại – dịch vụ.
Từ doanh nghiệp với số vốn khởi đầu nhỏ đến tập đoàn nghìn tỷ, từ một công ty xuất nhập khẩu thành tập đoàn đa ngành khổng lồ, hành trình 30 năm của Tập đoàn Geleximco thực sự là bản hòa ca rực rỡ của trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm.
“Sếu đầu đàn” trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Sinh ra tại quê lúa Thái Bình, trải qua những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, ông Vũ Văn Tiền thấu hiểu sự vất vả của người lao động. Khi lớn lên, ông luôn nuôi khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu để thay đổi cuộc sống của chính mình và cộng đồng. Chính những trải nghiệm tuổi thơ đã hun đúc nên một con người kiên cường và nhạy bén với những khó khăn của thời cuộc.
Năm 1986, Việt Nam chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới nền kinh tế. Đại hội VI của Đảng vào tháng 12/1986 đã quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, nhất là đổi mới về tư duy kinh tế.
Các doanh nghiệp Nhà nước được trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, thực hiện hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, xóa dần bao cấp, giảm bớt các chỉ tiêu pháp lệnh, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh mở rộng sản xuất để thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp.
Vốn là một người có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa và sáng suốt, ông Tiền ngay lập tức nhận thấy tính hiệu quả của việc phát triển kinh tế tư nhân và sự phù hợp với quy luật cạnh tranh của thị trường. Ông quyết định thôi công tác trong khu vực nhà nước để chuyển sang làm kinh tế tư nhân. Với sự nhiệt huyết và lòng dũng cảm, ông Tiền đã dấn thân vào một con đường đầy gian truân nhưng cũng tràn đầy cơ hội.
Thời điểm đó, lĩnh vực xuất nhập khẩu ông Tiền lựa chọn là một lĩnh vực được coi là “béo bở” nhưng cũng gắn liền với nhiều cái khó. Quan trọng nhất là làm sao để một doanh nghiệp còn non trẻ có được ngoại tệ và tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng – thứ mà lúc đó doanh nghiệp tư nhân gần như khó có cơ hội tiếp cận. Không có bất động sản để thế chấp như bây giờ, ông Tiền chủ yếu dùng chính tiền gửi tiết kiệm để thế chấp vay tiền. Sau khi dùng sổ tiết kiệm thế chấp để vay được một khoản, ông lại đi gửi vào chỗ khác và lại thế chấp để vay được một khoản khác. Để Geleximco có thể ra đời, chính ông Vũ Văn Tiền cũng đã ròng rã 9 tháng trời đi khắp các bộ, ngành xin gần 30 con dấu để trình lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và thuyết phục Thủ tướng với những lập luận xác đáng.
Ngày 9/1/1993, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Tập đoàn Geleximco ngày nay) chính thức ra đời với số vốn điều lệ gần 3 tỷ đồng. Đây là bước khởi đầu khiêm tốn nhưng vô cùng ý nghĩa bởi đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.
Chứng kiến những bước đi đầu tiên của Tập đoàn Geleximco dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Vũ Văn Tiền, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Ông Vũ Văn Tiền có sự kiên trì và quyết tâm phi thường để vượt ra khỏi vòng kim cô của nền kinh tế lúc bấy giờ. Đây là thách thức, cũng là số phận của người đi tiên phong”.
Trong 3 năm đầu tiên, doanh nghiệp còn non trẻ, do đó không ít lần phải đương đầu trước “sóng gió”, có những thời điểm, doanh nghiệp gặp khủng hoảng tưởng chừng phải đóng cửa. Năm 1996, Geleximco gánh món nợ lên tới 11 tỷ đồng, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Thế nhưng, càng trong hoàn cảnh khó khăn, ông Tiền cùng cộng sự càng đồng lòng hiệp sức, quyết tiến chứ không chùn bước. Với những chiến lược vận hành doanh nghiệp linh hoạt, Geleximco đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng, trả được nợ thuế và ngân hàng.
“Lúc bấy giờ, tôi chỉ có một suy nghĩ là mình phải cố gắng, phải chịu đựng và xác định là chỉ có tiến, không có lùi; nếu lùi là chết, công ty thì tan, anh em thì không còn nơi nương tựa”, đó là những lời tâm sự chân thành của ông Tiền, người “anh cả” dẫn dắt Geleximco vượt qua những khó khăn thuở ban đầu.
Tiên phong mở rộng liên doanh
Trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới, Geleximco không bao giờ bằng lòng với những thành công hiện tại. Tập đoàn luôn hướng tầm nhìn xa hơn, khát khao vượt ra khỏi biên giới quốc gia để vươn tới thị trường quốc tế. Với tinh thần tiên phong, Geleximco mạnh mẽ liên doanh cùng các doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới. Mỗi quyết định liên doanh không hẳn chỉ là sự lựa chọn mạo hiểm mà lại chứa đựng một sự tự tin vững vàng. Đó là niềm tin vào khả năng của mình và sự kiên định trong tầm nhìn dài hạn.
Thời điểm đó, ông Tiền gặp cơ duyên với ngành sản xuất phụ tùng ô tô xe máy. Năm 1996, ông đã có quyết định táo bạo khi thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP). VAP có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước, trong đó Tập đoàn Geleximco và Công ty Honda Việt Nam là hai cổ đông Việt Nam. Phía nước ngoài gồm công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd, Daisin Co., Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co., Ltd.
Nhà máy được xây dựng tại xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với tổng số vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.
Công ty chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam. Ngoài ra, liên doanh còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.
Từ năm 1993, Geleximco bắt tay với Acecook Co., Ltd. – Tập đoàn mì ăn liền hàng đầu Nhật Bản – thành lập Công ty liên doanh sản xuất mì ăn liền VIFON – ACECOOK và nhà máy sản xuất bao bì phục vụ cho nhà máy mì ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự tham gia của Geleximco vào ngành công nghiệp thực phẩm đầy tiềm năng.
Sau khi đạt được những thành tựu đáng kể từ các liên doanh sản xuất mì ăn liền VIFON – ACECOOK, Geleximco quyết định mở rộng cánh cửa đầu tư vào ngành sản xuất bột giấy và giấy. Tập đoàn đã mạnh dạn đề xuất và được Chính phủ chấp thuận dự án Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Với tổng mức đầu tư gần 450 triệu USD, dự án này không chỉ đơn thuần là một bước tiến kinh tế mà còn là dấu ấn của sự hợp tác bền vững giữa Tập đoàn Geleximco và công ty Marubeni của Nhật Bản.
Sự xuất hiện của Nhà máy Giấy An Hòa – dự án công nghiệp đầu tiên tại một huyện miền núi nghèo của tỉnh Tuyên Quang đã góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương và các tỉnh lân cận.
Không dừng lại ở đó, Geleximco tiếp tục nhìn xa hơn và nhanh chóng nhận ra nhu cầu ngày càng tăng của thị trường xây dựng. Ông Tiền tiếp tục mở rộng liên doanh, kêu gọi đầu tư. Semen Gresick, Tập đoàn Xi măng lớn nhất Indonesia đã từng bỏ một lượng vốn lớn đầu tư vào Xi măng Thăng Long. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 350 triệu USD, được trang bị công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có công suất thiết kế 6.000 tấn clinker/ngày, tương đương với 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Ngày 18/12/2008, sản phẩm xi măng đầu tiên của Nhà máy Xi măng Thăng Long có mặt trên thị trường Việt Nam và rất được đón nhận.
Thành công nối tiếp thành công, Geleximco bắt tay cùng Kaidi đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thăng Long với 2 tổ máy có tổng mức đầu tư 900 triệu USD. Nhà máy có diện tích gần 125ha tại xã Lê Lợi, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2018, nhà máy chính thức vận hành thương mại điện và trở thành nhà máy nhiệt điện tư nhân lớn nhất cho đến thời điểm hiện nay.
Những bước đi vững chắc, bền bỉ ấy không chỉ là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Geleximco mà còn cho thấy sự phát triển bền vững và khả năng tiên phong của tập đoàn.
Nói về hành trình kêu gọi đầu tư, liên doanh của doanh nhân Vũ Văn Tiền và cả tập đoàn Geleximco, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Giờ nhìn lại thấy đơn giản, nhưng vào những năm tháng đó, việc đi xin giấy phép xuất nhập khẩu và liên doanh với nước ngoài của một doanh nghiệp tư nhân là chuyện kinh thiên động địa, không phải ai cũng làm được”.
Thực vậy, trong bối cảnh của những năm 90, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, việc liên doanh với nước ngoài không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm mà còn cần có tầm nhìn và chiến lược táo bạo. Ở thời điểm đó, khung pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân còn chưa hoàn thiện, mọi thủ tục hành chính đều là thách thức lớn, đặc biệt là trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế. Đối với nhiều người, những rào cản này có thể là sự cản trở không thể vượt qua, nhưng với ông Tiền và Geleximco, đó chính là cơ hội để khẳng định mình.
Bứt phá các giới hạn
Sau những thành công rực rỡ trong lĩnh vực công nghiệp, tên tuổi của Geleximco ngày càng được khẳng định vững chắc trên thị trường. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Tập đoàn Geleximco tiếp tục tiến về phía trước và mở rộng danh mục đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần thử thách.
Khác với lĩnh vực công nghiệp, bất động sản là một cuộc chơi mới mẻ và đầy rủi ro. Doanh nhân Vũ Văn Tiền chọn dấn thân bằng sự dũng cảm và quyết đoán khi nhiều người còn e ngại về sự bất ổn và không chắc chắn của thị trường. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông Tiền. Dự án bất động sản đầu tay – Geleximco Lê Trọng Tấn ra mắt đúng vào thời điểm thị trường bất động sản bước vào giai đoạn sôi động, giá trị gia tăng cao. Sự thành công của dự án này không chỉ giúp Geleximco ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản mà còn củng cố thêm niềm tin và động lực để tập đoàn tiếp tục khám phá và phát triển các dự án bất động sản khác.
Với trọng tâm là phát triển các khu đô thị mới, các dự án khu đô thị của Geleximco đặc biệt chú ý đến tiến độ, chất lượng, dịch vụ, môi trường, tạo lập không gian sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Các dự án nổi bật như Geleximco Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Thành phố Giao lưu, An Bình City, Gelexia Riverside, Khu đô thị Cái Dăm, Geleximco Southern Star… đã đưa Geleximco trở thành một thương hiệu lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn Geleximco luôn đặt mục tiêu lựa chọn và xây dựng những sản phẩm sở hữu tọa độ tiếp giáp các trục đường huyết mạch, có khả năng kết nối giao thông thuận tiện và là nơi hội tụ nhiều dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất cho khách hàng. Điểm nhấn trong quy hoạch dự án của Geleximco là sự đồng bộ, quy củ trên diện tích lớn, chất lượng thi công theo tiêu chuẩn cao, góp phần kiến tạo bức tranh đô thị tổng thể. Các căn hộ không chỉ nổi bật với lối thiết kế sang trọng mà còn được bố trí linh hoạt, tối ưu ánh sáng và gió trời, tối đa hóa công năng sử dụng.
Geleximco rất chú trọng đến việc kiến tạo không gian xanh ngay bên trong các dự án. Các dự án được phát triển theo nguyên tắc nhất quán coi trọng việc bảo vệ môi trường, tạo lập không gian sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Mật độ xây dựng của các khu nhà ở đều được duy trì ở mức thấp, thay vào đó là diện tích dành cho khuôn viên cây xanh, mặt nước và các tiện ích công cộng khác.
Khu đô thị Thành phố Giao lưu, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Cái Dăm… đều sở hữu không gian xanh trong lành, thoáng đãng, mang đến cho cư dân cuộc sống riêng tư mà an toàn, nhịp sống văn minh, sôi động. Đi kèm với đó là chuỗi tiện ích nội khu phong phú, phù hợp với mọi lứa tuổi như khu vui chơi dành riêng cho trẻ em, hệ thống sân và phòng tập thể thao, bể bơi hay vườn dạo bộ, trung tâm thương mại…, mang đến nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống, góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần của cư dân.
Khu đô thị Thành phố Giao lưu, An Bình City được thiết kế và xây dựng theo ý tưởng một thành phố thu nhỏ trong lòng công viên thanh bình và yên tĩnh; do đó, An Bình City chỉ gồm 8 tòa căn hộ từ 28 – 35 tầng, mật độ xây dựng thấp khi chỉ chiếm 31,6%, gần 70% diện tích còn lại là dành cho cảnh quan và không gian xanh, các phân khu thể thao hiện đại… Điểm nhấn ấn tượng chính là hồ điều hòa với diện tích gần 20ha giúp thanh lọc không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn mở ra không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho cư dân sinh sống trong khu vực. Ngoài ra, Khu đô thị còn có nhiều tiện ích khác như cầu Nhật Bản, sân tennis, sân bóng, trung tâm thương mại, trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc tế… Tất cả đã đáp ứng tối đa nhu cầu của cộng đồng dân cư trong việc chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ cuộc sống trong lành.
Tại Khu đô thị Cái Dăm Geleximco, cư dân được sống trong một hệ thống thảm thực vật xanh, sạch cùng với những tiện ích cao cấp và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Đặc biệt, Khu đô thị Cái Dăm Geleximco có vị trí đắc địa khi tọa lạc ngay trên trục đường huyết mạch của khu Du lịch Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, phóng tầm mắt hướng ra Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Năm 2019, Geleximco đánh dấu bước ngoặt lớn khi chính thức bước chân vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp bằng việc phát triển, khai thác và vận hành dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng – Dragon Ocean Do Son. Dự án có quy mô 480ha, với nhiều sản phẩm bất động sản: Biệt thự biển nghỉ dưỡng cao cấp, Minihotel, Shophouse liền kề, căn hộ cao cấp, khu vui chơi giải trí cao cấp, sân golf, bến du thuyền đẳng cấp… và có tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Tập đoàn Geleximco hướng đến mục tiêu là kiến tạo một siêu quần thể du lịch xây dựng hoàn toàn trên biển đầu tiên và duy nhất tại bán đảo Đồ Sơn, Hải Phòng.
Với hàng chục tiện ích nội khu, dự án đã làm thay đổi diện mạo ngành du lịch tại Đồ Sơn – Hải Phòng. Ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: “Sự xuất hiện của khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng đã tạo nên một hướng đi mới trong việc thu hút khách du lịch suốt cả 4 mùa thông qua chuỗi hệ thống tiện ích đa dạng tích hợp trong một điểm đến, sở hữu trọn vẹn bộ tứ du lịch độc đáo: Du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – thể thao và văn hóa tâm linh, kiến tạo điểm đến của những sự kiện văn hóa nghệ thuật đẳng cấp, thu hút đông đảo du khách, nhất là du khách trẻ”.
Cùng với sản xuất công nghiệp và bất động sản, tài chính – ngân hàng cũng là lĩnh vực kinh doanh quan trọng của Tập đoàn Geleximco. Ngân hàng An Bình được cấp phép ngày 13/5/1993, với tên gọi ban đầu là Ngân hàng TMCP Nông thôn An Bình.
Năm 2004, Ngân hàng TMCP Nông thôn An Bình được chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vốn điều lệ 70,04 tỷ đồng. Năm 2022, vốn điều lệ của ABBANK là 9.409 tỷ đồng với các cổ đông chiến lược gồm: Tập đoàn Geleximco, ngân hàng lớn nhất Malaysia Berhad (MayBank) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank). Với hơn 30 năm hoạt động, ABBANK sở hữu một nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch trên 165 điểm trải dài khắp 34 tỉnh thành, cùng đội ngũ gần 4.000 nhân sự tâm huyết và am hiểu nghiệp vụ.
Năm 2006, Geleximco tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực tài chính bằng việc thành lập Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS). Đây là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên và là công ty bán lẻ hàng đầu tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ tài chính chứng khoán.
Bên cạnh đó, thương mại dịch vụ cũng là 1 trong 4 lĩnh vực kinh doanh trọng điểm của Geleximco. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, Geleximco còn mở rộng phát triển các dịch vụ khách sạn lưu trú – khách sạn nghỉ dưỡng, resort; dịch vụ cho thuê văn phòng hạng A; dịch vụ sân golf cao cấp.
Năm 2019, dự án sân golf cao cấp 36 hố tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào hoạt động với tên gọi Hilltop Valley Golf Club tại Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, dịch vụ. Mới đây, Geleximco chính thức vận hành kinh doanh dịch vụ sân golf đẳng cấp thượng lưu Dragon Golf Links – sân golf 27 lỗ trên biển đẳng cấp quốc tế, thuộc dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn – Hải Phòng.
Ngoài ra, Geleximco hiện sở hữu hai khách sạn là Hạ Long Dream Hotel – một trong những khách sạn 4 sao tư nhân quy mô lớn đầu tiên tại khu vực Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh và Thái Bình Dream Hotel với diện tích 6.300m2 tại trung tâm TP. Thái Bình.
Cùng với đó, hai tòa nhà văn phòng Hạng A là Geleximco Building và Peakview Tower tọa lạc tại 36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội được xếp vào top các tòa nhà văn phòng cho thuê uy tín, chuyên nghiệp cũng góp phần đưa tên tuổi Geleximco lên một nấc thang mới.
Khát vọng đưa Việt Nam trở thành “thủ phủ” sản xuất ô tô năng lượng mới
Tinh thần khởi nghiệp của Geleximco luôn được thể hiện qua sự dám nghĩ dám làm và mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới. Từ việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, bất động sản đến tài chính – ngân hàng, thương mại – dịch vụ, tập đoàn đã thể hiện sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng và cơ hội thị trường.
Trong bối cảnh các vấn đề về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đang được cả thế giới quan tâm, Geleximco đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành “thủ phủ” sản xuất ô tô năng lượng mới trong khu vực. Bước đi táo bạo này một lần nữa khẳng định Geleximco là một tập đoàn đa ngành, sẵn sàng tiên phong trên mọi mặt trận, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực mới.
Sáng 4/4/2024, Tập đoàn Geleximco đã ký kết Hợp đồng Hợp tác liên doanh với thương hiệu xe năng lượng mới thời thượng quốc tế Omoda&Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc).
Tại Lễ ký kết, doanh nhân Vũ Văn Tiền cho biết, liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Thái Bình, Việt Nam với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda&Jaecoo. Việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD. Cụ thể, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026 có vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, sản xuất 50 nghìn ô tô/năm; giai đoạn 2 vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, sản xuất 100 nghìn ô tô/năm và giai đoạn 3 vốn đầu tư ước khoảng 380 triệu USD.
Dự án đầu tiên liên doanh giữa hai Tập đoàn Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất ô tô của liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo không chỉ là hợp tác đơn thuần mà còn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng giữa hai tập đoàn. Và cũng là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng bền chặt và hiệu quả giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco tin tưởng, dự án nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ của ngành công nghiệp ô tô, một ngành công nghiệp thay đổi không ngừng và nhanh chóng. Từ đó, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất ô tô trong nước, giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt được những bước nhảy vọt.
“Liên doanh quyết sản xuất các sản phẩm ô tô chất lượng cao với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất không chỉ phục vụ người Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này được minh chứng bằng thực tế Tập đoàn Chery đã sản xuất và xuất khẩu thành công hàng triệu chiếc ô tô ra thế giới”, doanh nhân Vũ Văn Tiền chia sẻ.
Với việc sản xuất, lắp ráp hai mẫu xe gồm ô tô thuần điện thông minh crossover Suv Omoda E5 và ô tô việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev, doanh nhân Vũ Văn Tiền luôn trăn trở đi tìm giải pháp thực hiện công nghiệp bền vững: “Làm sao để không làm ảnh hưởng đến môi trường, nhất là vùng trồng lúa, vùng nuôi trồng thủy hải sản là vấn đề chúng tôi đặt lên hàng đầu”.
Đồng thời, một trong những điều khiến doanh nhân Vũ Văn Tiền đặt nhiều tâm huyết vào dự án nhà máy sản xuất ô tô tại quê hương Thái Bình là bởi, dự án sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm, không chỉ lao động giản đơn mà cả lao động có trình độ cao sử dụng được công nghệ hiện đại. Ông Tiền từng tâm sự: “Làm công nghiệp vất vả nhưng là cái lõi của kinh tế, tạo ra sự thay đổi ở các địa phương và đem đến nhiều công ăn việc làm cho xã hội”.
Trước đó, vào năm 2022, tập đoàn Geleximco đã ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng với Tổng công ty Viglacera để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải. Theo kế hoạch, sau khi thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tiền Hải, Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại, có đầy đủ các dây chuyền như hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của pháp luật với trình độ tự động hóa cao, sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu.
Nhà máy sẽ sản xuất dòng xe ô tô nhiên liệu trong tương lai là xe điện và xe pin nhiên liệu. Bên cạnh đó, Geleximco sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của Đức đảm bảo tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2030 có sản lượng 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 từ năm 2030 trở đi có sản lượng 100.000 xe/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự tính trong giai đoạn 1 là 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 500 triệu USD, tương đương 11.800 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại doanh thu 100.000 tỷ/năm, đóng góp thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 3.400 tỷ đồng/năm, VAT 1.000 tỷ/năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 100 tỷ đồng/năm.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 30 năm qua, Geleximco không chỉ ngày càng khẳng định vị thế của một tập đoàn đa ngành tại Việt Nam mà còn là biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp và sự dám đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ, đầy thử thách. Hành trình từ khi thành lập cho đến nay, Geleximco không ngừng khát khao thay đổi và tiến lên, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu, rộng.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình của doanh nhân Vũ Văn Tiền cùng sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, tập đoàn Geleximco giờ đây không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới, khẳng định là một trong những nhà đầu tư tiên phong, mang lại lợi ích to lớn cho cả công ty và cộng đồng./.
Theo Reatimes