You are here

Doanh nhân Vũ Văn Tiền: Không ngừng tinh thần khởi nghiệp

Doanh nhân Vũ Văn Tiền: Không ngừng tinh thần khởi nghiệp

Đây là câu nói của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco với cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco.

Người mê công nghiệp

Tin Tập đoàn Geleximco ký thỏa thuận thuê lại đất và hạ tầng với Tổng công ty Viglacera để xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Thái Bình hồi giữa tháng 9/2022 gây sốt giới truyền thông.

Một mặt, việc Geleximco dự kiến đầu tư 19.000 tỷ đồng, tương đương 800 triệu USD để xây dựng Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, chia làm 2 giai đoạn, khiến ngành ô tô xôn xao.

Theo thông tin được công bố, giai đoạn I có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng từ quý I/2023, đưa vào hoạt động vào quý III/2024, sản lượng lắp ráp khoảng 50.000 ô tô một năm, sử dụng khoảng 1.200 lao động.

Giai đoạn II với 11.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2030, nâng sản lượng lắp ráp khoảng 100.000 ô tô một năm, tạo việc làm cho 2.500 - 3.000 lao động.

Mặt khác, thị trường quan tâm hơn cả là đối tác của Geleximco. Người ta đoán già đoán non, tìm kiếm và lật tung các ngóc ngách thông tin về đối tác mà doanh nhân Vũ Văn Tiền sẽ bắt tay để gia nhập ngành công nghiệp đỉnh cao và không ít thách thức này. Chery Automotive được nhắc đến như một đối tác sáng giá và tiềm năng nhất của Geleximco, dù trong các thông tin được đưa ra còn có những cái tên nặng ký đến từ trời Âu trong danh sách các đối tác đang tìm hiểu.

Nhưng với những người hiểu ông, thì những chuyển động này chỉ là sự tái khẳng định doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco mê công nghiệp đến mức nào.

Nhắc đến niềm đam mê này, nhiều cộng sự thân cận với ông vẫn kể, không ít lần có ý can ngăn vì “làm công nghiệp quá vất vả, rủi ro đầy rẫy”, nhưng ông lại thuyết phục “làm công nghiệp vất vả nhưng là cái lõi của kinh tế, tạo ra sự thay đổi ở các địa phương và đem đến nhiều công ăn việc làm cho xã hội”.

Sau gần 30 năm gây dựng và phát triển, hệ sinh thái Geleximco tạo dấu ấn trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ...

Trong lĩnh vực công nghiệp, 3 dự án nổi bật của Geleximco là Nhiệt điện Thăng Long (tổng vốn đầu tư 900 triệu USD), Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa (tổng vốn đầu tư 450 triệu USD) và VAP - dự án liên doanh cùng Honda Motor (tổng vốn đầu tư 90 triệu USD).

Còn có những dự án Geleximco tâm huyết và bỏ không ít công và của để theo đuổi như Nhiệt điện Quỳnh Lập, điện rác, cảng biển...  Có tích lũy từ những lĩnh vực khác như bất động sản, ông Vũ Văn Tiền lại dồn vào công nghiệp.

Để giải mã niềm đam mê này, có lẽ phải nhắc đến quyết định đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án hạ tầng là bài toán hóc búa với cả những đại gia lớn trên thế giới. Với các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam còn chưa mạnh cả về tiềm lực, năng lực cạnh tranh và khả năng tổ chức chuyên nghiệp, thì khó khăn là đương nhiên. Song, doanh nhân Vũ Văn Tiền và Geleximco không chỉ thấy khó khăn, mà còn thấy cơ hội.

Hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo động lực cho sự phát triển.

“Nếu hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại, sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả nền kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội”, vị Chủ tịch Geleximco chia sẻ.

Cũng có nghĩa, ông nhìn thấy lý do xác đáng để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, đó là giải những bài toán lớn của nền kinh tế.

Người anh cả Sao Đỏ

Cộng đồng doanh nhân Sao Đỏ gọi ông Vũ Văn Tiền là người anh cả, không chỉ bởi ông là thế hệ doanh nhân Sao Đỏ đầu tiên.

“Anh Tiền luôn muốn quy tụ những doanh nhân đã trưởng thành để truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ có cùng chí hướng khởi nghiệp và cách làm giàu chân chính. Anh ấy cũng mong các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa hợp tác để “cùng thắng”, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ kể.

Bắt đầu kinh doanh với số vốn 200.000 USD, đến nay, tổng tài sản có thể lên tới hơn 3 tỷ USD, doanh nhân Vũ Văn Tiền vẫn chưa ngừng nghỉ.

Ông từng nói, sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Nhưng ông chưa ngừng nghỉ còn bởi mong muốn lớn hơn nữa, đó là phục vụ đất nước. Ông tham gia Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tham gia đề xuất cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, thẳng thắn, trực diện, không ngại động chạm nhưng vô cùng thuyết phục.

Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế từng kể cách ông Tiền ngầm cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro của hệ thống tài chính trong các câu chuyện riêng, hoặc cố tình nói ra thật nhiều để thu hút sự chú ý...

“Những người hoạt động thực tiễn như ông sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cảm thấy có điều gì tốt, có điều gì bất an… là điều mà những người như tôi rất cần và ao ước tiếp cận được. Những kiến nghị chính sách của tôi có giàu tính thực tiễn hay không là nhờ vào những người như ông Tiền”, ông Nghĩa đánh giá.

Trách nhiệm xã hội trở thành nhu cầu tự thân

Geleximco thường xuyên có mặt ở các hoạt động vì cộng đồng nhiều năm qua hay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Kể từ ngày bùng dịch, Tập đoàn đóng góp cho chiến dịch phòng, chống Covid-19 hơn 70 tỷ đồng. Bên cạnh những đóng góp trực tiếp cho công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh trên hệ thống, tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khỏe của cán bộ, nhân viên trong lao động.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào muốn cũng có thể thực hiện hết tâm nguyện của mình.

Chuyên gia kinh tế, GS. Võ Tòng Xuân đã từng chia sẻ thẳng thắn khi nhìn vào các con số khổng lổ ngày càng tăng lên của Quỹ Vắc xin phòng chống dịch bệnh, rằng khi đại dịch Covid-19 ập đến, từ doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều gặp khó khăn, nên việc bỏ ra cả chục, trăm tỷ đồng, thậm chí vài ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp này là quá lớn.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành còn gọi những hành động đó của cộng đồng doanh nghiệp là hành động xả thân vì đất nước, không còn là câu chuyện đóng góp, hỗ trợ nữa.

Nhưng với Geleximco, đây được coi là sự hiển nhiên. Có lẽ ý thức bởi trách nhiệm của một “sếu đầu đàn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp thường là Mạnh Thường Quân của những hoạt động vì sự phát triển của đất nước, của cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Còn với doanh nhân Vũ Văn Tiền, chia sẻ dường như là hạnh phúc và trở thành nhu cầu tự thân. Các trợ lý của ông đã quen với việc ông hay đọc báo, tìm những câu chuyện khốn khó, hoàn cảnh cần hỗ trợ, rồi chuyển tiền giúp đỡ mà không công bố danh xưng.

Ngọn lửa này, tinh thần này cũng lan tỏa tới hàng chục ngàn người lao động trong hệ thống Geleximco.

Theo Báo Đầu tư

Lượt xem: 895