Bạn đang ở đây

Quyết làm ô tô Việt và diễn biến bất ngờ tại tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng

Quyết làm ô tô Việt và diễn biến bất ngờ tại tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng

Diễn biến giằng co trong suốt phiên 2/7, các chỉ số đều đóng cửa với tình trạng giảm điểm. VN-Index mất 3,63 điểm tương ứng 0,38% còn 961,98 điểm và HNX-Index mất 0,63 điểm tương ứng 0,6% còn 103,46 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm giá. Có tới 326 mã giảm, 26 mã giảm sàn so với 281 mã tăng và 47 mã tăng trần.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình với con số giao dịch trên HSX là 138,21 triệu cổ phiếu tương ứng 3.457,14 tỷ đồng và trên HNX là 22,72 triệu cổ phiếu tương ứng 262,8 tỷ đồng.

Trong phiên hôm qua, chỉ số chính VN-Index chịu tác động tiêu cực từ các mã lớn như VIC, VCB, SAB, MSN… và phần nào được hỗ trợ bởi PLX, VRE, VJC, GAS.

 

Quyết làm ô tô Việt và diễn biến bất ngờ tại tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng - 1

Sản xuất ô tô là một lĩnh vực nhiều rủi ro và thách thức với Vingroup (trong ảnh: nhà máy Vinfast)

Riêng cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup quay đầu giảm 1.400 đồng tương ứng giảm 1,2% còn 115.800 đồng và là mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Mã này khiến chỉ số đánh mất 1,39 điểm trong phiên.

Liên quan đến tập đoàn này, Vingroup vừa gây bất ngờ khi quyết định ngừng tham gia quá trình đánh giá của hãng xếp hạng tín dụng Fitch - một trong 3 tổ chức xếp hạng uy tín nhất thế giới bên cạnh S&P và Moody’s, và theo đó, Fitch đã phải thông báo rút mọi xếp hạng tín nhiệm đối với Vingroup.

Fitch cho biết do không còn đủ thông tin để duy trì xếp hạng với Vingroup nên sẽ không cung cấp thông tin xếp hạng, phân tích về tập đoàn này.

Trước đó, vào hồi tháng 10/2018, Fitch công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm với Vingroup ở mức B+ song hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực” trong bối cảnh tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy.

Theo Fitch, mức xếp hạng này phản ánh rủi ro cao trong hoạt động kinh doanh của Vingroup do tập đoàn vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện của VinFast, khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup từng nói với báo chí rằng, đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là chuyện không tránh khỏi và “nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này”.

Cũng theo lãnh đạo Vingroup, việc hạ triển vọng xếp hạng không ảnh hưởng tới hình ảnh doanh nghiệp. Thực tế, Vingroup vẫn được Fitch duy trì xếp hạng ở mức B+, tỷ lệ vay trên tổng tài sản vẫn an toàn và các mảng kinh doanh khác của tập đoàn vẫn được đánh giá tích cực.

Trở lại với thị trường chứng khoán, BVSC nhận định rằng, VN-Index dự báo sẽ có phản ứng hồi phục trở lại khi điều chỉnh về vùng 952-956 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Sau đó, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong kênh giá đi ngang được hình thành từ đầu tháng 06/2019 trở lại đây.

Thị trường cần vượt qua vùng kháng cự quan trọng 965-966 điểm để có thể hướng đến thử thách vùng cản mạnh hơn nằm tại 975-980 điểm, đồng thời mở ra cơ hội hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn trong thời gian tới.

Điểm hạn chế là mức độ lan tỏa của các nhóm cổ phiếu chưa nhiều và dòng tiền vào thị trường vẫn chưa cho thấy được sự tích cực cần thiết. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường để nâng tỷ trọng danh mục lên mức 40-45% cổ phiếu trong giai đoạn này. Có thể thực hiện các hoạt động bán trading một phần vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng cản quanh 975 điểm.

Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG, FPT, VJC, BVH, VHM, GAS… được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc trong ngắn hạn để hỗ trợ thị trường. Ngành dầu khí và ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lời và có thể rơi vào trạng thái dao động giằng co tương đối khó chịu trong những phiên tới. Các nhóm ngành hưởng lợi từ vĩ mô như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp… vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền mỗi khi điều chỉnh.

Lượt xem: 25,666