Bạn đang ở đây

Dấu hiệu chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản

Dấu hiệu chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản

Dấu hiệu chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sảnVới sự quyết liệt của các chính sách, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc. Ảnh: Cao Nguyên

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2023, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 (tăng 30,2%) và 1.816 (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phương Đông - cho biết, thời gian qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn và triển khai dự án. Giai đoạn vừa rồi, giá vật liệu tăng cao, chi phí đầu tư bị đội lên. Thị trường thời gian qua có quá nhiều biến động, nên một số chủ đầu tư đã từ bỏ không phát triển dự án mới.

Theo ông Tuấn, kể từ quý IV/2022, quy mô hoạt động của công ty buộc phải thu hẹp và cơ cấu tổ chức cũng phải tinh gọn lại. Có phòng ban của công ty chỉ còn giữ lại bộ khung cấp quản lý.

Kỳ vọng chuyển biến trên thị trường

Từ cuối năm 2022 trở lại đây, hàng loạt chỉ đạo mạnh mẽ từ Thủ tướng; sự khẩn trương tháo gỡ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trở thành “trợ lực” cho thị trường BĐS hồi phục.

Có thể kể đến Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chính phủ tiếp tục ban hành Văn bản số 178 thúc đẩy thị trường BĐS.

Hay như Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị định số 10 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”.

Thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực sau các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ. Ảnh: Cao Nguyên.Thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực sau các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ. Ảnh: Cao Nguyên

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nhận định, có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án BĐS.

Đã có một loạt các “chuyển động” liên quan đến thị trường BĐS như một số chủ đầu tư công bố sẽ khởi động trở lại các dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho biết, những chỉ đạo Chính phủ đề cập đến trong Văn bản 178 có ý nghĩa thúc đẩy các chính sách đã đề ra như về tín dụng, giãn nợ cho một số trường hợp được phép giãn nợ, giải quyết vấn đề vay vốn và cho ai vay… phải biến thành các chương trình hành động cụ thể.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, vấn đề mấu chốt của thị trường BĐS và nền kinh tế là lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Quan trọng nhất là phải ổn định hệ thống tài chính để hỗ trợ cho nền kinh tế; phải có lúc lãi suất tiền gửi thấp thì dòng tiền mới chảy mạnh vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, đã có sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Chính phủ, đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS.

Lượt xem: 391