Bạn đang ở đây

Còng lưng trả nợ vì vay lãi buôn bất động sản lướt sóng

Còng lưng trả nợ vì vay lãi buôn bất động sản lướt sóng

Còng lưng trả nợ vì vay lãi buôn bất động sản lướt sóng"Cò" đất tràn ra đường, mời chào đầu tư bất động sản ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng, Bắc Giang) thời điểm sốt đất đầu năm 2021. Ảnh: Trần Tuấn

Vỡ mộng

Từng làm nhân viên ngân hàng, kiếm lời hàng chục triệu mỗi tháng nhờ lướt sóng bất động sản, anh Phan Nghĩa (38 tuổi, quê tại Bắc Ninh) đã quyết định bỏ hẳn nghề chính để "nhảy" vào đầu tư đất, liên tục gia tăng vốn vay ngân hàng, đầu tư mạnh tay vào các lô đất có tiềm năng. 

Anh Nghĩa chia sẻ, thời gian đầu, mỗi tháng thanh khoản được một miếng đất, anh lãi tối thiểu 20 – 30 triệu đồng. Đỉnh điểm nhất, anh đút túi hơn 700 triệu nhờ "lướt sóng" thành công một mảnh đất, nhưng cũng đã nhanh chóng dồn tiền lãi mua mảnh đất khác. Thời gian gần đây, thị trường bất động sản bị chững lại nên đã nhiều tháng chưa bán được lô đất nào. 

“Lãi suất ngân hàng phải gánh thêm mỗi tháng là 15 - 16 triệu, vì vậy tôi phải làm thêm nghề khác để bù lỗ. Giờ chỉ còn cách chia nhỏ các lô đất để bán dần dần, những lô nào bán được thì bán, còn không thì phải chuyển nghề khác thôi", anh Nghĩa nói.

  Anh Nghĩa trao đổi với phóng viên Lao Động về câu chuyện đầu tư đất của mình. Ảnh: Vân Trường

Anh Mạnh Tuấn (môi giới bất động sản tại Bắc Giang) cho biết, lượng khách kí gửi bán đất tại công ty vài tháng nay tăng cao, vì những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính từ vay vốn ngân hàng mà không có khả năng chi trả lãi suất.

“Nhiều nhà đầu tư buộc phải chấp nhận cắt lỗ để có tiền trả lãi ngân hàng hoặc lãi vay bên ngoài", nam môi giới cho biết.

Chị Huyền Thu (38 tuổi, quê Bắc Ninh) làm nghề buôn bán tự do tại TP.HCM, cũng rơi vào bi kịch vì giấc mơ làm giàu từ đất.

Trước đây, 2 vợ chồng chị Thu buôn bán ở chợ đầu mối mỗi tháng thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Thời điểm năm 2019, vợ chồng chị Thu có tham gia đầu tư cùng bạn bè một lô đất và lãi 300 triệu đồng. Nghĩ dễ kiếm tiền từ đất, sau đó họ liên tục vay vốn ngân hàng và nhờ người thân vay lãi ngoài với số tiền hàng tỉ đồng để đầu tư đất ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Gia Lai. Đỉnh điểm mỗi tháng, họ phải trả tiền lãi vay lên tới hơn 40 triệu đồng.

Số tiền trả lãi vượt quá thu nhập hàng tháng dẫn đến áp lực, đầu năm 2022, chị Thu bị dẫn dụ đầu tư chứng khoán phát sinh quốc tế với hứa hẹn lợi nhuận cao ngất ngưởng.

 Trước áp lực trả lãi vay đầu tư đất, chị Hương bị dẫn dụ đầu tư chứng khoán phái sinh trên một sàn có tên Tradetime và mất thêm số tiền 2,5 tỉ đồng. Ảnh: Vân Trường

"Tôi nói dối người thân trong gia đình là vay tiền tiếp tục đầu tư đất với tổng số tiền là 2,5 tỉ đồng nhưng lại nướng hết vào đầu tư chứng khoán quốc tế. Tôi đang rao bán các mảnh đất đã đầu tư để trang trải nợ nần nhưng nhiều tháng nay không có người mua... Tất cả như một bi kịch với gia đình tôi", chị Thu kể với phóng viên. 

Nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh khoản giảm

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều tỉnh phía Nam chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý 3 năm 2022 giảm so với những quý trước. Đơn cử như Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu mặt bằng giao dịch bất động sản sụt giảm từ 19 – 33%, giá đất có xu hướng chững và đi xuống.

Theo các chuyên gia bất động sản, tình trạng nhà đầu tư đang bị kẹt trong vay vốn khá phổ biến, ngay cả khi chấp nhận cắt lỗ thì thanh khoản vẫn kém.

Giới chuyên gia đánh giá rằng, các nhà đầu tư ăn theo độ "lắng" của thị trường thường sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư lướt sóng, kiếm lời khi giá đất tăng cao hơn so với lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu chững lại sẽ đẩy nhóm này vào thế "ngồi trên đống lửa". Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh khoản giảm.

  Nhà đầu tư tìm mua đất vùng ven Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, dòng tiền chảy vào loại hình đầu cơ tăng cao nên khi có vấn đề về dòng vốn thì thị trường sẽ tự khắc điều chỉnh. Giá không giảm nhưng thanh khoản kém cho thấy phân khúc đất nền đang có hiện tượng bán cắt lỗ, thanh khoản giảm kỉ lục từ 50 – 60%.

"Khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài trong 1 - 2 năm tới. Do đó, nếu thị trường không có dấu hiệu "ấm lại" thì làn sóng bán tháo đất nền có thể xuất hiện nhiều hơn", ông Đính nhận định.

Lượt xem: 761